Chuyên gia đề xuất đối sách với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu các biện pháp ngoại giao hòa bình không còn hiệu quả nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét sử dụng đến các biện pháp tư pháp – các chuyên gia khẳng định.
Sáng ngày 8/8, trả lời trực tiếp trên sóng truyền hình kênh VTC1, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian vừa qua trên Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, gây bất ổn và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, do đó vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Nói về lý do Trung Quốc đã và đang áp đặt nội luật của họ vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình, GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, khẳng định Bắc Kinh đang muốn thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp để trở thành cường quốc biển, qua đó phục vụ tham vọng “soán ngôi” Mỹ, vươn lên trở thành cường quốc số một thế giới.
“Không chỉ sở hữu một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vào loại bậc nhất thế giới, Biển Đông còn là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Đối với Trung Quốc, có đến khoảng 80% hàng hóa của nước này được vận chuyển qua Biển Đông hàng năm, trong đó có đến 90% là lượng dầu mỏ nhập khẩu. Do đó, Bắc Kinh coi Biển Đông là bể cá vàng, là con đường sinh mệnh và yết hầu của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc nhận thức rõ điều này, cho nên dứt khoát bằng mọi cách không chịu từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông” – GS.TS Nguyễn Bá Diến nhận định.
Với ý đồ đó, trong những ngày qua, Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, đang có những hành động hết sức ngang ngược khi điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 thực hiện các hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Chia sẻ ý kiến về vụ việc này, TS Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định không có bất cứ cơ sở pháp lý nào có thể giải thích cho hành động của Trung Quốc.
“Thứ nhất, vị trí xảy ra hành vi vi phạm của nhóm tàu Trung Quốc nằm cách bờ biển Việt Nam không quá 200 hải lý, tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không có cơ sở pháp lý nào để có thể có yêu sách ở vùng biển này, bởi vị trí này cách hòn đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 500 hải lý, không nằm trong bất kỳ một phạm vi nào mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và luật pháp quốc tế cho phép có yêu sách” – TS Phạm Lan Dung nói.
“Thứ hai, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, không có thực thể nào ở Trường Sa có thể có vùng biển quá 12 hải lý. Việc Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa cũng không thể đem đến bất cứ cơ sở nào để Trung Quốc có thể yêu sách ở vùng biển Nam Biển Đông” – chuyên gia cho biết thêm.
Từ các phân tích pháp lý, có thể khẳng định vùng biển mà Trung Quốc có những hành vi vi phạm trong thời gian qua hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, cũng như có thể sử dụng các căn cứ này một cách mạnh mẽ, quyết liệt cho các bước giải quyết tranh chấp này.
“Trước hành vi ngang ngược tàu khảo sát Hải Dương 8, cũng như các đội tàu của Trung Quốc tại bãi Tư Chính của chúng ta, tôi dự báo, có thể một ngày nào đó Trung Quốc sẽ rút xong rồi lại quay lại, nhưng kịch bản họ từ bỏ là không có. Và thậm chí, còn có kịch bản xấu hơn, khi mà Trung Quốc kéo giàn khoan xuống khu vực này. Bởi vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị. Chúng ta hoàn toàn có thể thực thi quyền tài phán của mình theo Công ước UNCLOS 1982, thậm chí bắt giữ, dẫn giải các tàu vi phạm về đất liền để tiến hành khởi tố và xét xử theo đúng luật pháp quốc tế” – GS.TS Nguyễn Bá Diến khẳng định.
Cùng quan điểm với GS.TS Nguyễn Bá Diến, TS Phạm Lan Dung cho rằng: “Việt Nam là một quốc gia thành viên Công ước và do đó chủ trương của Việt Nam luôn là kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, cũng theo Công ước, nếu như các biện pháp hòa bình không có hiệu lực, thì các quốc gia có quyền sử dụng đến biện pháp tư pháp. Tôi cho rằng, Việt Nam luôn cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các biện pháp tư pháp này, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết”.
“Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy là khi sử dụng biện pháp tư pháp thì trình tự của nó kéo dài nhiều năm, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cả về dư luận, khi những thay đổi trong nước có thể ảnh hưởng đến quyết tâm theo kiện. Bên cạnh đó, các nước bị kiện thường phải chịu những sức ép rất lớn, cho nên cũng cần phải có sự chuẩn bị. Do đó, nếu sử dụng các biện pháp tư pháp, chúng ta cần phải chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia pháp lý mạnh, một hồ sơ pháp lý kỹ càng, phải sẵn sàng đối phó với tình trạng kéo dài, có sức ép, có sự thay đổi” – TS Phạm Lan Dung chia sẻ.
Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động ráo riết hướng tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam cần phải thực hiện các biện pháp như sau:
Trên thực địa, chúng ta cần phải sử dụng các biện pháp kiên quyết, nhưng kiềm chế, tuân thủ pháp luật, đảm bảo phù hợp với những quy định của Công ước về Luật Biển, luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp Việt Nam.
Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trao đổi quan điểm với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau. Đây là yếu tố rất quan trọng, thể hiện Việt Nam đã rất kiên trì, nỗ lực thực hiện các biện pháp đàm phán, trao đổi quan điểm. Đây cũng là một trong những điều kiện đầu tiên mà quốc gia cần phải làm trước khi muốn đưa một vụ việc ra giải quyết ở các cơ quan tư pháp.
Những bước mà Việt Nam đã và đang làm là rất phù hợp với chủ trương đường lối chung của Đảng và Nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là sự chuẩn bị rất cẩn thận, nghiêm túc cho việc sử dụng đến những biện pháp tư pháp, một khi các biện pháp ngoại giao hòa bình không còn hiệu quả nữa – các chuyên gia kết luận.
(Theo VTC News)