Chuyên gia Đại học Y dược: Điều quan trọng nhất F0 cần nhớ để sớm bình phục
PGS TS Nguyễn Thị Bay cho biết, có những bệnh nhân than với bác sĩ khó thở nhưng thực chất lại do sợ hãi, lo lắng chứ không phải khó thở bệnh lý. Vì vậy, bình tĩnh được xem là chìa khoá quan trọng nhất với người bệnh.
F0 khó thở cũng có thể là do sợ hãiPGS TS Nguyễn Thị Bay – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết những ngày qua tham gia tổng đài trực hỗ trợ bệnh nhân Covid-19, có rất nhiều bệnh nhân giọng lo lắng gọi điện cho bác sĩ nhờ hỗ trợ. Đặc biệt là những cuộc gọi vào ban đêm.
Ví dụ, một bệnh nhân nam khoảng hơn 30 tuổi gấp gáp bên kia điện thoại: “Bác sĩ ơi, tôi khó thở quá, chắc tôi trở nặng rồi”.
Ngay lập tức, PGS Bay phải trấn an bệnh nhân: “Anh bình tĩnh, làm đúng theo hướng dẫn để tôi chẩn đoán chuẩn xác nhé. Hãy đặt tay lên bụng, đếm số lần bàn tay nhô lên. Đặt tay vào vào lồng ngực trái, đếm nhịp tim. Nhớ thở bình thường, không thở gấp”- PGS Bay hướng dẫn.
Sau khi thực hiện theo, nhưng giọng của F0 còn nguyên vẻ lo lắng: “Bác sĩ ơi nhịp thở 16 lần lận, còn nhịp tim tới 80”.
PGS Bay cho biết đây là dấu hiệu bình thường. Bác sĩ phải phân tích rồi trấn an người bệnh và hướng dẫn các dấu hiệu trở nặng, khi nào cần can thiệp y tế. Nhưng bệnh nhân vẫn rất lo lắng.
Đó là 1 trong hàng trăm cuộc gọi nhờ hỗ trợ của các F0 hàng ngày. Bệnh nhân liên tục than “Tôi khó thở quá, tôi khó thở quá”. Nhưng sự thật không phải khó thở bệnh lý. Trong điều trị Covid-19, khó thở được xem là triệu chứng nặng, nhưng người bệnh cần hiểu thế nào là khó thở.
Ví dụ, nhịp thở trung bình từ 12 – 20 lần/phút. Nếu F0 thấy có cảm giác ngực nặng hơn, hít vào khó, thở ra khó hơn thì đếm nhịp thở. Đặt tay lên ngực, nhìn đồng hồ nếu lồng ngực nhấp nhô chuyển động dưới 20 lần là bình thường, trên 20 lần nhanh hơn và từ 24 lần trở lên mới khó thở.
Một cách khác để biết mình có khó thở thật không đó là ở nhà có bậc thang bạn bước lên bậc thang không thể đi tiếp phải há miệng ra thở, ngồi xuống để thở thì đó là dấu hiệu khó thở.
Trường hợp khác, khi nằm ngủ nằm ngang, nằm thấp khó thở nên phải gối cao hoặc ngồi dậy.
Nếu trong nhà có máy đo nồng độ oxy máu để theo dõi mức oxy trong máu, bạn có thể lấy ra đo chỉ số Spo2. Chỉ số trên 95 % là bình thường, từ 94 % trở xuống cần thông tin cho cơ sở y tế quản lý để hỗ trợ.
5 điều cần nhớ dành cho F0
Thứ nhất: Bình tĩnh, lạc quan
PGS Bay cho biết, tinh thần vô cùng quan trọng nó giúp sức đề kháng tốt hơn. Nếu bạn lo lắng, mất ngủ sức đề kháng giảm sút sẽ nhiễm thêm các bệnh lý khác, điều này sẽ nguy hiểm hơn.
Hầu hết F0 đều hoang mang lo lắng nhất là thông tin dịch bệnh hàng ngày, người bệnh lại tò mò tìm hiểu về bệnh nên bấm xem đủ thứ thông tin, các thông tin xấu trên mạng làm ảnh hưởng tới tâm lý, tăng sự hoảng loạn ở bệnh nhân. PGS Bay khuyên người bệnh nên xem các tin tức tích cực để chăm sóc sức khoẻ của mình cho tốt.
Người bệnh có thể giữ bình tĩnh bằng cách siêng năng tập luyện, chậm rãi đi đứng, tập luyện theo sức của mình, các tư thế giúp khớp vận động giảm đau khớp, mỏi mệt.
Bệnh nhân nên tập thở. Tập trung vào hơi thở, thở chậm để tăng cường oxy. Nếu ở tư thế nằm, để tay lên bụng và hít vào bụng phình ra, thở ra bụng xẹp lại. Khi hít vào hít bằng mũi, thở ra bằng mũi và miệng đẩy CO2 ra ngoài. Thở chậm và sâu chính là cách thư giãn cho cơ thể tốt hơn. F0 có thể đứng trước cửa sổ tập thở.
Ngoài ra, F0 có thể đọc sách, xem phim, nghe nhạc… để bình tĩnh hơn. Khi bình tĩnh sẽ lắng nghe, nhận biết được diễn biến trong cơ thể tốt hơn.
Thứ 2: Áp dụng các biện pháp tránh lây lan cho người xung quanh, F0 nên ở trong nhà, không ra ngoài, khi cần thiết phải ra ngoài như lấy mẫu, khi phải tới khu cách ly thì mới đi. Trong nhà vẫn giữ nguyên tắc 5K. Nếu trong nhà có phòng riêng thì nên ở phòng riêng, không có phòng riêng nên ở một góc thoáng và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với người khác, mở cửa sổ cho thoáng khí, không bật máy lạnh/điều hòa.
Thứ ba: Tiếp tục duy trì điều trị bệnh nền nếu có. Không nên vì lo lắng mà dừng lại thuốc điều trị bệnh nền.
Thứ tư: Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, ăn đủ dinh dưỡng, chế biến món ăn dễ tiêu hoá, giữ liên lạc với người thân và ghi các số điện thoại khẩn cấp ngay chỗ dễ nhìn thấy nhất để báo tin khi cần.
Thứ 5: Biết cách theo dõi sức khoẻ cơ thể để biết các bất thường.
Theo PGS Bay, các F0 được phân loại cụ thể từ không có triệu chứng, triệu chứng thông thường tới triệu chứng diễn tiến nặng.
Người bệnh nhiễm virus sau thời gian ủ bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như khô họng, đau họng, đau đầu, đau mình mẩy, đau nhức từng vùng, đau tức ngực, tay chân, ho, sốt, ớn lạnh, giảm ngửi mùi, mất vị giác, tức nặng ngực, khó thở.
Tuỳ từng cá thể có các biểu hiện nào trước, biểu hiện nào sau. Tuy nhiên, khi thấy khó thở F0 nên liên hệ ngay cơ sở y tế quản lý F0 ban đầu để được trợ giúp.
Ngọc Anh