+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Đã đến lúc Việt Nam dừng đếm số ca Covid-19 giống Singapore

14/12/2021 14:49

Theo PGS Huy Nga, Singapore đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu lưu hành và không phải đại dịch. Cho nên Singapore đã dừng việc đếm ca bệnh, truy vết. Tại TP HCM hiện vẫn coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm loại A (bệnh nguy hiểm). Hiện, TP HCM đang đề xuất không đếm số ca bệnh không có triệu chứng, không truy vết.

Đã đến lúc Việt Nam dừng đếm số ca Covid-19 giống Singapore?
Xét nghiệm Covid-19 – Ảnh Việt Hùng.

Đếm số ca bệnh với TP HCM không còn nhiều ý nghĩa

Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ ngừng phát thông cáo báo chí hằng ngày cung cấp các số liệu thống kê về Covid-19 kể từ ngày 7/12 trong bối cảnh số ca mắc biến thể Delta giảm đi ở nước này.

Tuy nhiên, người dân vẫn có thể tiếp tục tiếp cận một số thông tin trên trang web của Bộ Y tế Singapore như tình hình Coivd-19 trong cộng đồng, công suất bệnh viện, tình trạng của bệnh nhân, tiến độ tiêm chủng và số ca mắc Covid-19.

Gần đây, TP HCM cũng đã tính tới việc sẽ không bố số ca mắc bệnh nữa.

Về vấn đề có nên tiếp tục đếm số ca bệnh hay không, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Bệnh viện đại học Y dược TPHCM, cho hay: “Không nên đưa ra việc không đếm số ca cho các địa phương. Đối với TP HCM, đếm số ca hiện không có ý nghĩa vì có những người cả nhà 10 người mắc nhưng không ai báo.

Do vậy, đối với TP HCM, thay vì đếm số ca bệnh, thành phố nên tập trung nguồn lực để thống kê bệnh nhân trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin.

Tại TP HCM tỷ lệ tiêm vắc xin đã phủ gần hết, cho nên việc không đếm số ca bệnh trong cộng đồng là hợp lý. Nhưng ở các tỉnh khác, ví dụ Quảng Ngãi, tỷ lệ phủ vắc xin chưa cao, năng lực điều trị thu dung yếu, chúng ta không thể làm giống TPHCM. Đối với các tỉnh này, vẫn cần phải đếm số ca bệnh để biết mức độ dịch. Vì nếu “thả” F0 lan tràn vào cộng đồng sẽ rất nguy hiểm.

Hay như… Cao Bằng chưa có ca bệnh thì phải kiểm soát cho được F0, không cho nguồn lây ra cộng đồng”.

Đã đến lúc Việt Nam dừng đếm số ca Covid-19 giống Singapore? - Ảnh 1.
Xét nghiệm Covid-19 – Ảnh Việt Hùng.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi phân tích thêm, thích ứng với chiến lược mới không phải ‘tát bùn theo mưa’. Khi dịch diễn biến, phải thay đổi để biết mục tiêu nào quan trọng nhất. Với TP HCM không cần phải đếm số F0 nhưng phải đếm số ca chuyển nặng, tử vong, số ca an toàn đến nơi điều trị. Đây mới đúng là thích ứng, chuyên gia nói.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, phân tích: “Việc đếm số ca bệnh Covid-19 mục đích để biết được mức độ dịch ra sao. Đối với TP HCM, số ca mắc trước đó đã cao cùng với việc tiêm vắc xin bao phủ cao nên khi nhiễm virus triệu chứng rất nhẹ.

Do vậy, không cần phải đếm số ca bệnh không triệu chứng đối với TP HCM. Quan trọng nhất ở đây là phải thực hiện 5K để tránh lây nhiễm.

Theo tôi chỉ nên tính số ca bệnh có triệu chứng vào bệnh viện và có triệu chứng đi khám. Không cần phải truy vết vì như vậy sẽ rất tốn nguồn lực và ngân sách của quốc gia. Tuy nhiên, ở đây việc cảnh báo và ý thức người dân vẫn là quan trọng. Ví dụ, khi một người biết dương tính cần phải cảnh báo cho ngưới khác để phòng ngừa lây nhiễm”.

Theo PGS Huy Nga, Singapore đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu lưu hành và không phải đại dịch. Cho nên Singapore đã dừng việc đếm ca bệnh, truy vết. Tại TP HCM hiện vẫn coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm loại A (bệnh nguy hiểm). Hiện, TP HCM đang đề xuất không đếm số ca bệnh không có triệu chứng, không truy vết.

Về việc Hà Nội có nên tiếp tục đếm ca bệnh hay không, PGS Huy Nga cho rằng, với tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin tại Hà Nội, đa phần các trường hợp mắc không có triệu chứng hoặc nhẹ. Đây là tiền đề để Hà Nội có thể xem xét việc không cần đếm số ca F0 không có triệu chứng và không cần truy vết.

“Tuy nhiên, tại 2 thành phố lớn vẫn cần phải duy trì đếm số ca bệnh có triệu chứng, số ca bệnh nặng để biết được mức độ trầm trọng của dịch bệnh”, PGS Huy Nga nói.

Việc không đếm số ca bệnh không có triệu chứng chỉ nên thực hiện với các địa phương có số người mắc nhiều và tỷ lệ tiêm vắc xin đã cao. Còn đối với các tỉnh, thành phố có số ca mắc thấp thì vẫn cần phải đếm số ca bệnh để biết mức độ dịch.

Bên cạnh đó, các tỉnh này cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nâng cao năng lực điều trị. Khi tỷ lệ tiêm vắc xin các tỉnh đã cao có thể tính tới việc không cần phải đếm ca bệnh không có triệu chứng, mà chỉ theo dõi số ca bệnh có triệu chứng.

Chiến lược chống dịch trong năm 2022

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp và dự báo khả năng vẫn còn xuất hiện các biến chủng mới. Gần đây nhất, thế giới đã xuất hiện biến thể Omicron. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược trong công tác phòng chống dịch.

“Hiện nay, đối với Việt Nam đã tiêm vắc xin cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên với độ bao phủ mũi 1 trên 97% và mũi 2 khoảng 70%.

Chúng ta cũng đang triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Như vậy, năm 2022 chúng ta có sự thay đổi chiến lược trong công tác phòng chống dịch theo phương châm Thủ tướng đã chỉ đạo: Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Để thực hiện chiến dịch này, Bộ Y tế cũng đã tham mưu cho Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các cấp ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin của các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi vắc xin nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ trưởng cũng đã nêu thêm một số điểm mới trong chiến lược chống dịch năm 2022 đó là: “Hiện, chúng ta cũng đã chuyển hình thức: Trước đây, tất cả các trường hợp F1, F0 đều đưa đi cách ly tập trung thì nay F1 và F0 triệu chứng nhẹ cách ly và điều trị tại nhà. Chỉ đưa F0 vào các cơ sở điều trị đối với các trường hợp chuyển biến nặng. Ở những cơ sở điều trị cần nâng cao năng lực để giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, công tác phòng chống dịch cần phải đảm bảo hài hòa vừa phát triển để có nguồn cho ngân sách nhà nước và ngân sách chống dịch”.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều