Chuyên gia chỉ ra khía cạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao hơn Mỹ, Anh và Trung Quốc
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng DBS (The Development Bank of Singapore Limited ) về chuyển đối số, khoảng 68% các công ty Việt Nam được đánh giá cao trong phương pháp tiếp cận chiến lược, nhất quán và triệt nhằm số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng.
Theo đó, con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%). Kết quả, trong số những nền kinh tế được DBS đánh giá và khảo sát, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore, xếp thứ hai trong lĩnh vực chuyển đổi số, và xếp trên các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ, Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, phần lớn các công ty Việt Nam (63%) cho rằng chuyển đổi số đang giúp doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tổng thể. Bên cạnh đó, khoảng 61% doanh nghiệp đã nâng cao mức độ hiểu biết khách hàng và 57% đã nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể trên thị trường. Ngoài ra, hơn một nửa doanh nghiệp Việt (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong dịch vụ và tương tác khách hàng.
Tuy nhiên, khoảng cách về nhân tài (42%) và các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu (35%) vẫn là mối lo ngại lớn nhất cản trở các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam có tham vọng trở thành một quốc gia phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó chuyển đổi số được xem là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Ông Joo Young Park, Giám đốc Khối Ngân hàng Định chế, DBS Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu của DBS nhận định, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho việc chuyển đổi số để tận dụng triển vọng thị trường trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh.
“Việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu nội bộ mạnh mẽ, phát triển các chính sách quản trị dữ liệu và đầu tư vào công nghệ hỗ trợ sẽ giúp các nhà lãnh đạo số đang phát triển ở Việt Nam nhận ra tiềm năng của doanh nghiệp mình, từ đó củng cố vị trí dẫn đầu của đất nước về chuyển đổi số”, Giám đốc Khối Ngân hàng Định chế, DBS Việt Nam nói.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính tăng trưởng 28% mỗi năm, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022.
Tờ Business Times cho hay, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 31% trong giai đoạn 2022-2025.
Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Mỹ Arizton dự báo quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,04 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) gần 10,8%.
Ngoài ra, theo báo cáo của Research and Markets , thị trường dịch vụ đám mây của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 603 triệu USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR khoảng 19%.
Bảo Trâm