+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia chỉ ‘lỗi’ bộ máy hành chính và thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam

19/09/2019 16:04

Tại Diễn đàn VRDF 2019, nhiều chuyên gia chỉ rõ những yếu kém của nền hành chính công vụ và thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ hai năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết, tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề, song tựu trung có 4 vấn đề lớn: Một hệ thống mà hai tiêu chuẩn; Phương thức vận hành chưa rõ theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước điều chỉnh; Không phân định hành pháp chính trị và hành chính công vụ; Phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp.

VRDF 2019: Chuyen gia chi 'loi' bo may hanh chinh va the che kinh te thi truong o Viet Nam hinh anh 1
 TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.

Theo đó, vấn đề thứ nhất là một hệ thống mà hai tiêu chuẩn. Ông Dũng cho hay trong quá trình cải cách từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều cải cách. Hiến pháp Việt Nam quy định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về Tòa án và nói rõ các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau.

“Đó là hệ chuẩn rất mới. Nhưng về cơ bản, ta vẫn nằm trong hệ chuẩn Xô viết. Những chiếc xe cũ kỹ của Xô viết vẫn vận hành. Tôi thấy rằng, Việt Nam chúng ta đang giống với “con nhộng lột xác có một nửa”. Quan trọng là ta chọn một hệ chuẩn thôi và sắp xếp bộ máy theo hệ chuẩn đó. Ta đã lột xác được một nửa thì nên lột xác tiếp, hơn là đắp lại lớp vỏ cũ”, ông Dũng nói.

Ông Sỹ Dũng cho rằng có hai mô hình là Nhà nước kiến tạo phát triển và Nhà nước điều chỉnh. Giai đoạn vừa rồi, Việt Nam đã nói nhiều về mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển – như mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

“Tuy nhiên chúng ta lại đang hành xử theo mô hình Nhà nước điều chỉnh của Anh, Mỹ. Càng ngày Nhà nước càng thể hiện rõ mô hình điều chỉnh”, ông Dũng cho hay.

Nếu theo mô hình nhà nước điều chỉnh, Việt Nam sẽ dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

“Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp. Với mô hình này, vai trò của Nhà nước trong hoạch định rất quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài bộ máy hành chính thì thể chế kinh tế thị trường hiện nay cũng đang tồn tại nhiều vấn đề.

TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thể chế kinh tế thị trường hiện nay vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế, hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao.

Cụ thể, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước, 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước.

Hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”: 70% doanh nghiệp cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền”, việc tiếp cận thông tin thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, để có thông tin hay tài liệu của tỉnh, 69% doanh nghiệp cho rằng cần phải có “mối quan hệ”.

Thị trường hiện nay vẫn chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Một số thị trường chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học công nghệ.

Ông Sinh lấy dẫn chứng, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa bền vững, một số phân đoạn thị trường còn phát triển méo mó, các nguyên tắc thị trường chưa được vận hành hiệu quả, thị trường bất động sản ở một số đô thị lớn, như thị trường nhà ở, nhà chung tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát.

Theo ông Cao Viết Sinh, có 4 định hướng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trước hết phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định.

Tiếp đó, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo.

Nhà nước coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển.

(Theo VTC News)

Bài mới
Đọc nhiều