Chuyên gia chỉ cách ‘hồi sức’ cho phổi hậu Covid-19 ai cũng nên biết
BS cho biết sau khi khỏi COVID, nhiều người đối mặt với di chứng hậu COVID. Đặc biệt, nhiều người mắc phải tình trạng hụt hơi, gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày.
Di chứng ‘quen thuộc’ hậu COVID
Anh Dương Kiệt Minh (Hà Nội) cho biết ngày 28/12/2021, anh Minh phát hiện bản thân trở thành F0. Ngay lập tức anh Minh đã tự cách ly tại phòng riêng để tránh tiếp xúc với mẹ và sau đó thông báo với y tế phường để test lại lần nữa. Cuối cùng, anh được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Trong quá trình nhiễm, ngày đầu tiên anh Minh có sốt nhẹ. Ngày thứ 2 anh có biểu hiện đau đầu nhẹ, sổ mũi nhẹ và đi vệ sinh phân lỏng, ngày đi 1-2 lần. Mặc dù đã chuẩn bị thuốc men đầy đủ nhưng với những triệu chứng nhẹ kể trên, anh Minh đã không uống thuốc. Các loại thuốc anh chuẩn bị sẵn gồm thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm, thuốc điều trị tiêu chảy, vitamin C tăng sức đề kháng… Thêm vào đó, anh còn mua chai xịt khuẩn tay để sử dụng liên tục.
Những ngày điều trị tại nhà, anh Minh ăn sáng, trưa và tối đầy đủ, ăn nhiều hoa quả. Ngoài ra, anh uống thêm C sủi, nước hoa quả. Sau đó, anh đun nước xông từ 10-15 phút.
“Vào mỗi buổi chiều, tôi sẽ dành 20-30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, cho cơ thể vận động. Khuyên mọi người đừng nằm ì 1 chỗ, mệt cũng cố hoạt động cho người khỏe lại. Đặc biệt nhớ súc miệng nước muối mỗi ngày ít nhất 10-15 lần. Dùng nước muối xịt thẳng vào 2 lỗ mũi để vệ sinh mũi ngày 3 lần”, anh Minh chia sẻ.
Ngày 2/1/2022, anh Minh test lại và có kết quả âm tính chỉ sau 2 ngày được đưa vào khu điều trị COVID, cơ thể anh khoẻ mạnh và không có bất cứ dấu hiệu gì.
Sau khi khỏi COVID được khoảng nửa tháng, anh Minh xuất hiện những di chứng hậu COVID như ngạt mũi và hụt hơi, nói chuyện không được như trước, liên tục phải ngắt quãng. Thậm chí ngày trước, anh leo 4 vòng cầu thang không sao, nhưng dạo gần đây chỉ cần đi mấy bước thì phải dừng lại nghỉ và thở dốc.
“Mặc dù thường xuyên tập thể dục, gym, nhưng bản thân tôi cũng không tránh khỏi di chứng hậu COVID. Những ngày bị di chứng vô cùng khó chịu, gây ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống và công việc của tôi”, anh Minh chia sẻ.
Tương tự, chị M.T.L (Hà Đông, Hà Nội) cho biết vào tháng 1, chị L xuất hiện những triệu chứng ho, sốt, nhức đầu, sổ mũi. Nghi ngờ mình mắc COVID, chị L đã test nhanh và lên 2 vạch. Chị lập tức thông báo cho những người đã tiếp xúc với bản thân 3 ngày gần đó. Vì ở một mình nên chị đã nhờ bạn bè, hàng xóm mua giúp thuốc và đồ xông hơi cùng thực phẩm dự trữ cho những ngày cách ly tại nhà. Chỉ sau 5 ngày, chị L test lại và cho kết quả âm tính.
“Đến nay mặc dù đã âm tính với COVID nhưng tôi gặp rất nhiều di chứng hậu COVID như ho, ngạt mũi và hụt hơi. Nói chuyện khó khăn, liên tục phải dừng nghỉ, cơ thể yếu hơn lúc chưa mắc COVID rất nhiều. Điều này khiến bản thân tôi vô cùng khó chịu và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi khá nhiều. Không biết đến bao giờ mới hết những di chứng này. Những ngày qua tôi phải nhờ thầy thuốc Đông y đến nhà châm cứu vì cơ thể rất mệt và đau đầu”, chị L thở dài.
Làm thế nào hạn chế hụt hơi?
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, thời gian qua bản thân anh và đồng nghiệp gặp rất nhiều trường hợp mắc các di chứng hậu COVID như sức khỏe giảm sút, đi lại hoặc leo một đoạn cầu thang liền mệt mỏi, nói vài câu đã hụt hơi.
BS Hoàng phân tích: F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi khỏi bệnh có thể gặp một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Nhiều người gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu. Hoặc có nhóm người lại bị kém tập trung, nhớ nhớ quên quên, trong khi một số trường hợp khác lại bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở, trào ngược dạ dày.
“Nguyên nhân của biểu hiện này có thể là hậu quả của tình trạng viêm toàn thân do COVID-19 “phát tác” sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp với tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng. Tình trạng viêm toàn thân lan toả này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi… Còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.
Hai vấn đề trên ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này, khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, canxi…) giảm, khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm. Vì thế nên bệnh nhân luôn cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước…”, BS Hoàng cho hay.
Đối với những trường hợp này, BS Hoàng khuyến cáo mọi người nên điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì và quan trọng là phải vận động phù hợp với tình trạng sức khoẻ. Ngoài ra, mọi người nên dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất, các sản phẩm giúp giảm căng thẳng như các loại thực phẩm chức năng có tác dụng an thần, tăng cường tuần hoàn não… có nguồn gốc thảo dược. Ngoài ra, các biện pháp tâm lý cũng rất quan trọng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nếu sau khi khỏi COVID-19, cơ thể không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì mọi người không cần phải đi khám. Bởi sau một trận ốm lớn, dài ngày, hoặc hậu sinh đẻ thì việc cơ thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc… là rất thường gặp, không nghiêm trọng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.
Những người mắc hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Khai Tâm