+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia cảnh báo khẩn cấp về mức thảm họa của cơn bão mạnh nhất năm – số 9

27/10/2020 14:34

Sáng sớm hôm nay ngày 27/10, TS Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đã đưa ra một lời cảnh báo rất khẩn cấp về mức thảm họa của bão số 9.

Theo đó, TS Nguyễn Ngọc Huy thông báo: “Bão số 9 vào thời điểm 1h sáng ngày 27/10 đã mạnh lên CAT 2 tương đương cấp gió 165 km/h (cấp 14, giật cấp 15) .

Vào 07h sáng ngày 27/10, bão sẽ tăng lên thành CAT 3 với cấp gió duy trì đều 195km/h. (Cấp 17). Đây là một cấp bão hiếm trong Biển Đông.

Khi vào cách bờ 200km ngoài khơi bờ biển Quảng Ngãi bão còn cấp CAT2 với vận tốc gió duy trì đều là 165km/h và khả năng cao sẽ duy trì cấp bão này khi nó tiếp cận vùng bờ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam”.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy dự báo thời gian đổ bộ của siêu bão số 9 là sáng sớm ngày 28/10, khoảng từ 05-07h sáng. Nhanh hơn so với dự đoán của các chuyên gia những ngày qua.

Và khi đổ bộ tâm bão có khả năng cao nhất sẽ hướng thẳng vào Quảng Ngãi, đồng thời hơi chếch Tây – Tây Băc vào phía Nam của Quảng Nam. Do bán kính bão lớn nên Bình Định và Quảng Nam cũng có thể xem là vùng bão đổ bộ trực tiếp với cấp gió gần tương đương gió ở tâm bão.

Cấp gió khi bão đổ bộ: tại tâm bão, dự báo130-165km/h (cấp 13, giật cấp 14-15). Sóng biển cao 8-9m gần bờ.

Vùng ảnh hưởng gió rất mạnh: vùng cách tâm bão 100 – 200km có gió cấp 12, giật cấp 13. (Bắc Phú Yên, Đà Nẵng, Kontum)

Vùng ảnh hưởng gió mạnh cách tâm bão 250-300km có gió cấp 9-10, giật cấp 11-12 (Huế, Quảng Trị).

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh, “Tin cảnh báo thiên tai có thể có mức độ chính xác khác nhau, không phải tất cả các bản tin đều chính xác, nhưng quan trọng nhất là người dân không chủ quan khi nhận tin cảnh báo thiên tai. Khi xảy ra lũ lụt thì người dân còn có thể ngồi trên mái nhà chờ 1 – 2 ngày có người đến cứu hộ, nhưng bão vào chỉ 1 – 2 tiếng đồng hồ, nguyên tắc đội cứu hộ cũng không được phép ra ngoài khi bão lớn đang xảy ra nên việc sơ tán trước thiên tai là quan trọng nhất và người dân không được chủ quan”.

TS Ông Huy cũng cảnh báo, ngày 4/11/2017, cơn bão Damrey vào Khánh Hòa, thống kê nhanh trong ngày đã có 1.141 tàu thuyền bị đánh chìm hoặc hư hỏng do sức bão quá lớn. Ngoài ra, bão làm 1.300 ngôi nhà bị sập, gần 115.000 nhà tốc mái. 10 con tàu lớn đậu ngoài khơi cách bờ biển Bình Định cách 1 hải lý cũng bị sóng đánh chìm hoặc mắc cạn vì khi sóng đánh vào bờ cuốn theo cát tạo ra các cồn cát ngoài biển. Vì thế, ngư dân cần đặc biệt lưu ý những nguyên tắc sau để bảo vệ tính mạng và tài sản như sau:

– Tàu thuyền nên tìm vào trong các âu thuyền có gió ít khuất gió và thậm chí đưa vào trong sông để tránh bão. Nhưng trong sông cũng có nguy hiểm khi nước lũ về (sau bão) chảy rất xiết. Vì vậy, nếu đưa tàu thuyền vào trong sông thì phải có hệ thống neo đậu tốt. Và khi hết bão, hoàn lưu bão gây mưa lụt, nước chảy lớn thì lại đưa thuyền ra ngoài khơi.

Ngoài ra, một cách nữa, bà con ngư dân có thể lưu ý áp dụng trong các đợt tránh bão sau nhưng giai đoạn này chưa phù hợp vì còn cơn bão khác đang chuẩn bị vào biển Đông sau bão số 9. Đó là dịch chuyển tàu bè về phía tây nam, không theo hướng của bão đổ bộ, ví dụ bão đổ bộ theo hướng tây và tây bắc thì ở bên dưới nam của quần đảo Trường Sa có thể di chuyển ra phía của Vũng Tàu nhưng ngay sau đợt bão số 9, mùng 1 ở biển Đông tiếp tục có cơn bão khác, khoảng mùng 3 cơn bão đó tiếp cận với bờ. Vì vậy tiếp cận Nam Trung bộ, tàu thuyền đi về hướng đó lại phải chạy tiếp về hướng TP.HCM, Cà Mau, nên nếu chạy như vậy thì suốt ngày chạy bão rất sẽ vất vả.

Còn nhớ, cơn bão Xangsane năm 2006 đổ vào Đà Nẵng đánh bay cả con tàu lên đường. Tương tự, vào thời điểm này chưa thể khẳng định cấp bão có bằng với bão Xangsane hay không nhưng ở mức hiện tại vẫn rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Vì vậy, các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão, không neo đậu cách bờ 1 hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất (7-8m).

– Trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó với bão, người dân đặc biệt lưu ý bảo vệ tài sản, ưu tiên tài sản có giá trị nhất để bảo vệ như căn nhà. Hai là các tài sản ở trong nhà như xe cộ, ti vi, đồ điện tử, gia dụng nấu ăn, lương thực thực phẩm đó là những thứ có thể bảo vệ. Chúng ta có thể gom tất cả tài sản ấy tại góc cao của ngôi nhà cao và trùm thêm một mảng bạt để đề phòng gió bão tốc mái thì không làm ướt các tài sản đó. Chuẩn bị xong hết thì giằng cố nhà cửa, bảo vệ gia sức gia cầm. Sau đó sơ tán ra khỏi ngôi nhà cấp 4 lợp ngói, lợp tôn.

T.H

Bài mới
Đọc nhiều