Chuyên gia cảnh báo khả năng biến chủng mới nguy hiểm hơn Omicron
Với tốc độ lây lan như hiện tại của Omicron cho thấy đây có thể không phải phiên bản biến chủng SARS-CoV-2 đáng lo ngại cuối cùng.
Giới chuyên gia cảnh báo, khi virus càng lây lan, nó càng có cơ hội đột biến để tạo ra các biến chủng khác. Omicron có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2, thậm chí ở cả những khu vực có tỷ lệ miễn dịch cao nhờ vaccine và do nhiễm bệnh trước đó.
Do đó, virus có thể tiến hóa hơn nữa. Giới chuyên gia chưa thể đoán định được biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến đại dịch. Họ cũng không chắc chắn liệu các biến chủng sau sẽ gây bệnh nhẹ hơn và liệu vaccine hiện tại có còn hiệu quả cao hay không.
“Omicron lây lan nhanh hơn, nó càng có cơ hội đột biến và dẫn đến xuất hiện thêm nhiều biến chủng khác”, Leonardo Martinez, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, bình luận.
Kể từ khi xuất hiện vào giữa tháng 11/2021, Omicron đã nhanh chóng lan ra hầu khắp thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy, Omicron có khả năng lây lan cao ít nhất hơn 2 lần so với Delta – biến chủng trội từng khiến thế giới vật lộn đối phó, và cao hơn ít nhất 4 lần so với chủng ban đầu. Ngoài ra, biến chủng Omicron được cho là cũng dễ gây tái nhiễm hơn so với biến chủng Delta, đó là lý do xuất hiện các ca bệnh “đột phá” ở những người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng vaccine.
Biến chủng Omicron được cho là nguyên nhân khiến số ca Covid-19 mới toàn cầu tăng vọt những tuần gần đây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có thêm kỷ lục 15 triệu ca Covid-19 trong tuần từ ngày 3-9/1, tăng 55% so với tuần trước đó.
Các dữ liệu ban đầu chỉ ra, Omicron gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với Delta. Điều này làm dấy lên hy vọng virus này khởi đầu để thế giới tiến tới chấm dứt đại dịch, Covid-19 sẽ trở thành một bệnh thông thường như cảm cúm. Tuy nhiên, không phải lúc nào virus cũng ít nghiêm trọng hơn qua thời gian. Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, giải thích một biến chủng có thể sẽ đạt mục tiêu chính là tái tạo nếu những người nhiễm bệnh ban đầu chỉ có các triệu chứng nhẹ và lây lan virus cho rất nhiều người khác, nhưng sau đó bệnh trở nên nặng hơn.
Khả năng né miễn dịch tốt hơn giúp virus sinh tồn trong một quãng thời gian dài. Khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện lần đầu, không ai có miễn dịch. Tuy nhiên, cùng với các ca nhiễm, vaccine Covid-19 đã mang đến mức độ miễn dịch nhất định cho phần lớn thế giới. Điều này buộc virus thích ứng để sinh tồn. Chúng có thể lây nhiễm sang động vật, đột biến và trở lại tấn công con người, kể cả những người đã được tiêm chủng. Ngoài ra, với việc Omicron và Delta lây lan cùng lúc, con người có thể bị “lây nhiễm kép” hay nhiễm “biến chủng lai”, chuyên gia Ray nói.
(Theo SCMP)