Chuyên gia Bangladesh lý giải sự “hùng mạnh” của ngành may mặc Việt Nam
Trang The Daily Star của Bangladesh đã có bài viết với nội dung so sánh sự phát triển của ngành may mặc Việt Nam với Bangladesh, qua đó nêu bật các lợi thế của Việt Nam như: thời gian sản xuất ngắn, chất lượng vải tốt và sự tập trung vào thị trường cao cấp.
Nếu tình cờ thấy những chiếc áo phông được bày bán ở Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU), rất có thể những chiếc áo phông của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, đảm bảo giá xuất khẩu cao gấp 2 lần, theo Daily Star.
Một nghiên cứu của Trung tâm đối thoại chính sách (CPD) tháng 2 vừa qua dẫn một ví dụ tại thị trường EU vào năm 2020, theo đó, Việt Nam thu về 2157,90 USD cho mỗi 100 kg áo phông, trong khi doanh thu tương ứng của Bangladesh chỉ là 1091,50 USD. Điều này không gây ngạc nhiên vì năm 2019, mức doanh thu của mỗi nước lần lượt là 2099,70 USD và 1097,50 USD.
Câu chuyện tương tự cũng lặp lại ở Mỹ, một điểm đến xuất khẩu lớn khác của cả 2 quốc gia.
Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là chất lượng vải Việt Nam, về cơ bản, tốt hơn đáng kể và một bộ phận người tiêu dùng có sở thích dùng hàng cao cấp. Khondaker Golam Moazzem, giám đốc nghiên cứu của CPD, lý giải: “Việc sử dụng vải chất lượng cao hơn giúp các nhà sản xuất Việt Nam có giá tốt hơn. Thêm vào đó, Việt Nam có nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ sản phẩm cao cấp hơn”.
Theo ông Moazzem, điều này có được là nhờ Việt Nam có một vị thế tốt và xếp hạng cao hơn trên bảng Chỉ số môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố và xu hướng hướng tới việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về nhân quyền và bảo vệ môi trường.
Ông Moazzem cũng cho rằng các công ty may mặc Việt Nam chủ trương tập trung vào thị trường cao cấp, dù quy mô còn hạn chế. Do đó, ông khuyến nghị các nhà sản xuất Bangladesh cần cho ra đời hàng loạt mặt hàng may mặc cao cấp để có giá tốt hơn và xuất khẩu số lượng lớn hơn.
Dù là nước đi sau trong lĩnh vực kinh doanh hàng may mặc toàn cầu, song Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một nhân tố lớn do vị trí địa lý gần Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực kinh doanh hàng may mặc.
Ông AK Azad, Giám đốc điều hành Tập đoàn Ha-Meem, một trong những đơn vị xuất khẩu may mặc hàng đầu Bangladesh, cho rằng thành công hiện tại của Việt Nam có được là nhờ sự chuyển hướng đầu tư liên kết từ Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có thời gian sản xuất ngắn hơn, cho phép vận chuyển hàng may mặc đến EU chỉ trong 30 ngày, trong khi Bangladesh phải mất tới 90 ngày.
Ông nói thêm, Việt Nam cũng có khoảng cách địa lý gần với châu Âu, nơi hàng hóa Việt Nam được các nhà bán lẻ và thương hiệu quốc tế ưu tiên thứ hai sau Trung Quốc. Ngoài ra, “Việt Nam sử dụng tốt nguồn nguyên liệu có sẵn với chất lượng hàng đầu”, theo ông AK Azad.
Ông Azad tiếp tục nhấn mạnh rằng, các nhà cung cấp hàng may mặc của Bangladesh gặp khó khăn do thiếu cảng biển nước sâu, trong khi cảng biển có thể làm giảm chi phí hoạt động kinh doanh và thời gian giao hàng.
KM Rezaul Hasanat, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viynticx Group, một nhà xuất khẩu may mặc hàng đầu khác của Bangladesh, nhận định hình ảnh đất nước là yếu tố rất quan trọng khi ấn định giá các mặt hàng may mặc. Hơn nữa theo ông Hasanat, nhiều đơn vị sản xuất hàng may mặc cao cấp của Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam. Đây là nguyên nhân quan trọng trong việc đảm bảo giá cao hơn cho hàng may mặc Việt Nam.
Việt Nam có thế mạnh về sản xuất áo khoác ngoài cho người dân sống ở vùng có khí hậu lạnh, cùng với đó là áo blazer chất lượng cao, áo sơmi dệt công sở và quần tây cho thị trường EU và Mỹ. Trong khi đó thế mạnh của Bangladesh là hàng may mặc cơ bản, dù hiện nước này đang dần chuyển hướng sang các mặt hàng cao cấp có giá trị gia tăng.
Giám đốc một công ty bán lẻ châu Âu tại Bangladesh cho biết, các nhà cung cấp Việt Nam tập trung sản xuất các sản phẩm phức tạp, khó có thể sản xuất hàng loạt, trong khi Bangladesh lại chuyên các mặt cơ bản như áo phông và quần tây.
Như vậy, có thể hiểu rất đơn giản tại sao giá các mặt hàng may mặc phức tạp lại cao hơn các mặt hàng cơ bản. Ông lưu ý: “Bangladesh chỉ có 8 nhà máy sản xuất áo blazer, trong khi Việt Nam có vô số”. Việt Nam cũng sản xuất rất nhiều quần áo thể thao mà giá của các sản phẩm này rất cao. Do đó, giá trung bình của các mặt hàng may mặc Việt Nam ở mức cao. Nhà quản lý này nói thêm, hầu hết các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo thể thao nổi tiếng toàn cầu đều tìm nguồn sản phẩm từ Việt Nam.
Giá cao hay thấp còn phụ thuộc thương hiệu mà sản phẩm được gắn mác. Việt Nam xuất khẩu một khối lượng lớn các mặt hàng may mặc cao cấp cho các thương hiệu. Hơn nữa, nhiều thương hiệu nước ngoài có các công ty và nhà máy sản xuất các sản phẩm như vậy tại Việt Nam.
Ông Kazi Iqbal, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu phát triển Bangladesh, đồng quan điểm rằng giá của sản phẩm may mặc phụ thuộc nhiều vào chất lượng vải, hình ảnh đất nước và việc giao hàng đúng hạn.
Theo Daily Star, với chi phí sản xuất ngày càng tăng (tăng 30% trong 5 năm qua), Bangladesh không thể cạnh tranh với Việt Nam, nước xếp thứ 70 trên 190 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới khảo sát về mức độ dễ dàng kinh doanh. Bangladesh xếp thứ 168.
Bảo Trâm (Theo Daily Star Bangladesh)