Chuyên gia Ấn Độ: Những yếu tố tạo nên tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam
Trang tin chính trị ngoại giao Modern Diplomacy vừa qua đã đăng bài viết “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023”, trong đó dẫn lời Giáo sư Pankaj Jha nhận định các yếu tố tạo nên tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và cả những dự đoán tích cực về một năm 2023 tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Giáo sư Pankaj Jha nhận định, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và giá cả hàng hóa ngày càng tăng trên toàn thế giới đã tác động đến các nước đang phát triển. Các quốc gia ở châu Á đang phục hồi sau tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế của họ phải tìm kiếm các chuỗi cung ứng thay thế và giảm trách nhiệm tài chính đối với khu vực xã hội thông qua quản lý ngân sách. Trong số các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 3% ngay cả khi nhiều quốc gia đang chứng kiến suy thoái và sản xuất giảm do tác động tiêu cực của COVID-19.
Theo giáo sư Jha, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tăng tốc và ngành nông nghiệp đã hoạt động hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân Việt Nam. Theo một trong những ước tính, lĩnh vực này đã đóng góp hơn 14% vào tổng sản phẩm quốc nội và đã thu hút hơn 35% thanh niên vào năm 2020. Lĩnh vực này cũng thu được lượng ngoại hối có giá trị hơn 48 tỷ USD. Một trong những thành tựu thú vị của Việt Nam là tăng tuổi thọ và bảo hiểm y tế toàn dân, bao phủ hơn 87% dân số.
Ngoài ra, bản thân Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho các nền tảng kinh tế vững chắc hơn và phục hồi sau tác động của COVID-19.
Giáo sư Jha cho rằng dân số trẻ của Việt Nam đang tự thích nghi với nền kinh tế kỹ thuật số và xây dựng các nền tảng cốt lõi để trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế khu vực khác nhau như RCEP và CPTPP. Hiệp định thương mại tự do song phương với EU cũng đang tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng trong một số lĩnh vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá mạnh và đã đạt được gần 27,72 tỷ USD năm 2022.
Ngoài ra, Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể về cơ cấu thông qua các văn bản chính sách về cải thiện kiến trúc tài chính, chấp nhận các chuẩn mực toàn cầu liên quan đến khí hậu và môi trường, an ninh toàn diện cho người dân chống đói nghèo và đầu tư sâu rộng vào phát triển cơ sở hạ tầng ở cả nông thôn và thành thị. Đây cũng là một trong yếu tố quan trọng tạo nên tăng trưởng đáng chú ý trong năm vừa qua.
Đồng thời, Modern Diplomacy cũng nhấn mạnh những yếu tố tạo nên tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam là tự do hóa thương mại, đầu tư vào nguồn nhân lực và đặc biệt là một nền chính trị ổn định. Các công ty lớn trong ngành sản xuất giày dép, điện tử và di động đã đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và một số công ty đã chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Môi trường kinh tế thuận lợi được cải thiện đã được các công ty như Adidas, Nike và Samsung đánh giá cao.
Nhờ sự phát triển của các loại công nghệ kỹ thuật số mới và nhận thức của người tiêu dùng tốt hơn, Việt Nam đang chuẩn bị cho một động lực lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và do đó đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế dựa trên kỹ thuật số và nhấn mạnh hơn vào phát triển khoa học và công nghệ. Việt Nam đã nhận thức rằng với những thay đổi trong cơ cấu ngành của nền kinh tế, việc phát triển nguồn nhân lực và năng lực kỹ năng cần thiết có thể giúp Việt Nam hội nhập liền mạch vào chuỗi giá trị toàn cầu và cũng giúp ngành dịch vụ khám phá các thị trường mới là điều cần thiết.
Modern Diplomacy cũng dẫn những dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, trong một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 8 năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng gần 7,2% vào năm 2023 và sẽ duy trì ổn định vào năm 2024 với dự báo tăng trưởng 6,7%. Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ. Một số ngành có thể thúc đẩy quá trình tăng trưởng sẽ là lĩnh vực giày dép và điện tử.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã dự báo rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,3% vào năm 2023. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm. Tỷ lệ đã giảm và với lạm phát rõ ràng là dưới 5%.
Theo chuyên gia Ấn Độ, điều này cho thấy rằng các quyết định dài hạn mà Chính phủ đã thực hiện với sự khởi đầu của “Đổi mới” (quá trình tự do hóa kinh tế) năm 1986 đã “đơm hoa kết trái”.
Tuệ Ngô