+
Aa
-
like
comment

Chuyện gì đang xảy ra ở nước Anh?

Bảo Trâm - 26/02/2023 00:55

Các siêu thị lớn tại Vương quốc Anh đang giới hạn số lượng mua tối đa trên mỗi khách hàng với một số loại trái cây và rau củ, khi nguồn cung từ Tây Ban Nha và Bắc Phi suy giảm.

Tesco (TSCDF), siêu thị lớn nhất Vương quốc Anh, ngày 22/2 xác nhận tạm thời giới hạn mỗi khách hàng chỉ có thể mua 3 gói cà chua, ớt và dưa chuột. Siêu thị Asda cũng tạm thời hạn chế mua một số mặt hàng bao gồm cà chua, ớt, dưa chuột và rau diếp.

Trong khi đó, hai chuỗi siêu thị Morrisons và Aldi cũng giới hạn lượng mua 2-3 gói với các loại nông sản này. Asda, Morrisons và Aldi lần lượt là chuỗi siêu thị lớn thứ ba, thứ tư và thứ năm của Anh, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar.

“Tương tự các siêu thị khác, chúng tôi đang gặp thách thức về nguồn cung đối với một số sản phẩm được trồng ở miền Nam Tây Ban Nha và Bắc Phi”, đại diện của Asda cho biết.

Sau nhiều tháng vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, người Anh hiện phải đối mặt thêm khó khăn mới khi các siêu thị khan hiếm nguồn cung một số loại nông sản.

“Càng thiếu hụt nguồn cung, lạm phát lương thực càng tăng”, bà Minette Batters, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia (NFU) – tổ chức đại diện cho hơn 46.000 doanh nghiệp nông nghiệp ở Anh, nói với BBC hôm 22/2.

Người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Vấn đề Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) cũng cho hay: “Chúng tôi hiểu những lo ngại của công chúng xung quanh nguồn cung rau quả tươi. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng thực phẩm ở Anh có khả năng phục hồi cao và sẵn sàng đối phó với sự gián đoạn”.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự gián đoạn này?

Thời tiết xấu

Siêu thị Asda và Morrisons lý giải thời tiết xấu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Ông Andrew Woods, từ công ty dữ liệu hàng hóa Mintec, cho biết nhiệt độ nóng hơn trung bình ở Tây Ban Nha và Morocco vào mùa thu năm 2022, kết hợp với đợt lạnh kéo dài trong hai tuần qua, đã ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, vụ cà chua ở miền Nam Tây Ban Nha giảm 20% sản lượng so với một năm trước.

Đây là vấn đề lớn với các nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh – những công ty đang phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC), các siêu thị ở Anh nhập khẩu 95% cà chua và 90% rau diếp vào tháng 12/2022 và thường nhập khẩu tỷ lệ tương tự vào tháng 3.

Chia sẻ trên đài LBC hôm 20/2, ông James Bailey, giám đốc điều hành siêu thị Waitrose, cho biết tuyết và mưa đá ở Tây Ban Nha, cũng như mưa đá ở các vùng phía bắc châu Phi, đã “xóa sổ một lượng lớn” cây trồng.

“Hãy đợi khoảng (hai tuần), khi những khu vực khác trên thế giới đến mùa vụ, chúng tôi sẽ bù đắp nguồn cung”, ông Bailey hứa hẹn.

Trong khi đó, Vương quốc Anh cũng phải đối mặt với nhiệt độ cao bất thường trong cả mùa hè và mùa đông cũng như hạn hán ở một số vùng, gây ảnh hưởng đến mùa màng và vật nuôi, theo Euronews.

BRC dự kiến tình trạng gián đoạn sẽ kéo dài vài tuần trước khi các sản phẩm trong nước có thể bù đắp khoảng trống trên các kệ hàng ở Anh.

“Các siêu thị rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng. Họ đang làm việc với nông dân để đảm bảo khách hàng có thể tiếp cận nhiều loại sản phẩm tươi sống”, Andrew Opie, giám đốc về thực phẩm và sự bền vững của BRC, nói với CNN.

Chi phí đầu vào tăng vọt

Trong khi đó, NFU cho biết chi phí đầu vào cao góp phần gây ra tình trạng thiếu trái cây và rau quả, cũng như làm giảm sản lượng toàn ngành nông nghiệp.

“Tình trạng thiếu lao động và giá năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm vốn đã lao đao vì dịch cúm, cũng như các doanh nghiệp trồng trọt và chăn nuôi lợn”, bà Batters cho biết.

Giá khí đốt tự nhiên – nguyên liệu đầu vào chính cho phân bón nitơ – đã tăng vọt sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Ông Batters lưu ý dù đã giảm trở lại trong những tuần gần đây, giá khí đốt vẫn cao gấp ba lần mức trung bình trong lịch sử, trong khi chi phí phân bón tăng 169% kể từ năm 2019.

Theo NFU, sản lượng cà chua và dưa chuột dự kiến giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Ông Woods cũng nhấn mạnh việc chế biến và bảo quản các loại rau củ, chẳng hạn cà chua, “tốn nhiều năng lượng”.

Brexit cũng có lỗi?

Trong những tháng gần đây, châu Âu cũng phải vật lộn với nhiều vấn đề tương tự Vương quốc Anh. “Trên khắp châu Âu, nguồn cung (cà chua) khan hiếm. Đơn vị sản xuất tiếp tục vật lộn với chi phí phân bón, năng lượng và lao động cao”, công ty Mintec cho hay.

Các nhà bán lẻ ở những quốc gia khác chưa có dấu hiệu giới hạn lượng mua. Tuy nhiên, Defra cho rằng “sự gián đoạn tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác” và họ đang hỗ trợ những người nông dân ở Vương quốc Anh bằng cách mở rộng chương trình thị thực cho lao động thời vụ để bù đắp thiếu hụt.

Các siêu thị ở Vương quốc Anh không đổ lỗi cho Brexit. Tuy nhiên, NFU và một số tổ chức lập luận rằng Brexit đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động.

Ông Batters lý giải các khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân ở Anh từ Liên minh châu Âu đang dần bị loại bỏ. Song Vương quốc Anh có kế hoạch thực hiện chương trình trợ cấp riêng vào năm 2024.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều