+
Aa
-
like
comment

Chuyện gì đang xảy ra ở dự án Trung Lương – Mỹ Thuận?

25/07/2019 16:42

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho rằng nhà đầu tư đã vét cạn đồng vốn cuối cùng để thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. 

Ngày 24-7, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có cuộc họp khẩn với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan thẩm quyền dự kiến xác định điểm dừng kỹ thuật của các gói thầu thuộc dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (gọi tắt là dự án), để làm cơ sở xem xét tạm dừng thực hiện dự án vào tháng 8-2019. Lý do là do cơ quan có thẩm quyền chậm phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác thu xếp vốn tín dụng và vốn ngân sách nhà nước chưa xác định được thời điểm giải ngân vốn cho dự án.

Đã vét đến đồng vốn cuối cùng

Cuộc họp trên bắt nguồn từ việc ngày 23-7, tại gói thầu XL 13, thuộc dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đoạn qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, công nhân đã ngưng thi công, giăng băng-rôn để đòi tiền nhà đầu tư. Gặp chúng tôi tại hiện trường gói thầu XL13, đại diện Công ty TNHH Thành Nơi (là nhà thầu phụ của gói thầu XL13), không ngớt than thở: “Hơn 3 tháng qua, chúng tôi huy động tiền của từ nhiều nguồn, nay không thể kham được nữa. Việc dừng mọi công việc trên công trường là chẳng đặng đừng…”.

Trong khi đó, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho rằng nhà đầu tư đã vét cạn đồng vốn cuối cùng để thực hiện dự án. Theo ông Thủy, nếu chỉ nhìn hiện tượng tại gói thầu XL13, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ lại là một liên danh các nhà đầu tư yếu kém tài chính. Thế nhưng, thực tế không phải vậy.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận triển khai theo hình thức đối tác công tư có tổng mức đầu tư (theo phương án điều chỉnh mới nhất) hơn 12.000 tỉ đồng. Tính đến nay, nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ ra trên dưới 3.000 tỉ đồng (trong đó nhà đầu tư đã chi 2.500 tỉ đồng). Trong hơn 3 tháng khởi công trở lại (từ đầu tháng 4-2019 đến nay), đã tăng khối lượng thi công từ 10% của 10 năm trước đó lên 25% tổng khối lượng thi công.

Mang hết tâm huyết để “nhập cuộc”!

Theo Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, để đạt được khối lượng như trên có sự đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Đèo Cả. Cụ thể, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 11-2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến tháng 2-2015, dự án được tái khởi động và tiếp tục đình trệ bởi nhiều vướng mắc khác. Đầu năm 2019, một trong những liên danh nhà đầu tư dự án này dính vào các vụ án hình sự đẩy nó vào bế tắc thực sự.

Để tháo gỡ, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sang UBND tỉnh Tiền Giang để địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án. Kế đến, tháng 3-2019, sau khi nhận lời mời của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tham gia nâng cao năng lực quản trị dự án cao tốc này, ngay lập tức, Tập đoàn Đèo Cả đã “nhập cuộc” bằng việc rốt ráo thực hiện một loạt bước đi tái khởi động dự án. “Họ đã có những hoạt động rất cụ thể. Trước khó khăn về tài chính mà các nhà thầu đối mặt, Đèo Cả đã sử dụng nguồn vốn của tập đoàn hiện có và hạn mức tín dụng để làm việc với các nhà cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị thi công… nhằm cung cấp cơ bản cho các nhà thầu thi công để bảo đảm tiến độ của dự án” – đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chia sẻ.

Đối với tỉnh Tiền Giang, khi Đèo Cả “nhập cuộc”, tỉnh đã có những bước đi cụ thể khi đã giải tỏa 50,51 km, đạt 98% khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến cuối tháng 5-2019, tỉnh Tiền Giang đã chi hơn 228 tỉ đồng giải quyết gần dứt điểm khâu GPMB cho dự án (ngoại trừ 2 điểm đầu – cuối dự án).

Cũng theo đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, những kết quả trên là cơ sở quan trọng để ngân hàng thực hiện giải ngân đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn 2.186 tỉ đồng nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nay vẫn chưa được giải ngân, đồng thời cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Trong khi đó, hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế – Bộ Xây dựng và cả Bộ GTVT thẩm định, thông qua, khiến các bước tiếp theo đình trệ. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ bị tắc bởi các yêu cầu thủ tục, hồ sơ của ngân hàng chưa được đáp ứng…

Chuyện gì đang xảy ra ở dự án Trung Lương - Mỹ Thuận? - Ảnh 1.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nguy cơ dừng thi công nếu không được nhanh chóng gỡ vướng.  

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đăng ký làm việc với Thủ tướng

Theo đó, tại cuộc họp sáng 24-7, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết đã kiến nghị Chính phủ xem xét một số nội dung như: Chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xác định kế hoạch bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án trong năm 2019 sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua làm cơ sở bảo đảm phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn, hỗ trợ giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ tháng 8-2019 để dự án có kinh phí thi công đáp ứng tiến độ, tránh việc các nhà đầu tư và nhà thầu cạn kiệt nguồn lực và phải dừng thi công dự án do không thể cố gắng tiếp được.

“Trên cơ sở kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án, chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục giải ngân để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng ra cho công tác GPMB, phần còn lại thanh toán lãi vay trong thời gian xây dựng… cần ưu tiên giải ngân vốn ngân sách nhà nước trước để giảm thiểu lãi vay trong thời gian xây dựng, tăng tính khả thi cho dự án. Trong khi chờ thủ tục bố trí và giải ngân vốn ngân sách nhà nước, để tránh ảnh hưởng việc thực hiện dự án, bảo đảm điều kiện thông tuyến trong năm 2020, đề nghị xem xét hỗ trợ tạm ứng vốn từ các quỹ tài chính” – đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận kiến nghị.

Đặc biệt, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, kiến nghị trong trường hợp ngân hàng không thể thu xếp tín dụng, cần xem xét phương án sử dụng trạm thu phí TP HCM – Trung Lương để phát hành trái phiếu dự án đầu tư, giao cho doanh nghiệp (Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) tổ chức thu phí, bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định đồng tình với ý kiến các bên nêu ra. “Với trách nhiệm, quyết tâm cao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng do nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc dự án lớn, vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đang đăng ký làm việc, báo cáo với Thủ tướng với Chính phủ để xin chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn. Việc này cần có thời gian, tôi mong muốn các nhà thầu, các bên liên quan cùng chung tay vượt qua khó khăn, không để dự án phải chậm, phải dừng…” – ông Trần Văn Dũng nói.

Đợi cơ quan nhà nước cam kết hỗ trợ đủ vốn cho dự án

Liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, theo phương án tính toán sơ bộ của các ngân hàng tham gia cho vay gồm VietinBank (ngân hàng đầu mối) cùng với Agribank, BIDV và VPBank, với cơ cấu vốn mới khi tổng mức đầu tư tăng từ 10.500 tỉ đồng lên 12.550 tỉ đồng, dự án sẽ khó cân đối được dòng tiền trả nợ trong 5 năm đầu tiên đi vào vận hành với tổng số tiền thiếu hụt khoảng 250 tỉ đồng.

Để bảo đảm khả năng triển khai dự án, khả năng trả nợ, trong văn bản phản hồi mới nhất của VietinBank gửi nhà đầu tư, ngân hàng này kiến nghị nhà đầu tư làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giúp bố trí đủ vốn chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết hỗ trợ đủ vốn cho dự án. Điều này nhằm bảo đảm dự án có đủ vốn hoàn thành đúng tiến độ; cũng như vốn ngân sách nhà nước tham gia trước khi các tổ chức tín dụng hợp vốn giải ngân.

Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT bảo đảm cho hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn, bảo đảm lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT đã và sẽ ký. Trong trường hợp nguồn thu của dự án không đạt được như phương án tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang có những giải pháp tài chính, phi tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm khả năng trả nợ của dự án…

“Doanh nghiệp cần tiếp tục khẩn trương làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng các phương án tài chính và thu xếp nguồn vốn khả thi để bảo đảm hiệu quả tài chính dự án và khả năng hoàn vốn cho các bên tham gia đầu tư. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn xem xét cấp tín dụng cho dự án nhằm bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ” – đại diện VietinBank giải thích.

(Theo Người Lao Động)

Bài mới
Đọc nhiều