+
Aa
-
like
comment

Chuyện gì đang diễn ra ở bãi Tư Chính

16/07/2019 17:28

Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến việc tàu Hải Dương Địa Lý 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vi phạm vùng chủ quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, đối đầu với tàu cảnh sát biển Việt Nam. Thông tin này đã gây ít nhiều tâm lý hoang mang cho dư luận mặc dù chưa có sự xác thực từ cơ quan báo chí, truyền thông trong nước.

nghiep-dong-tau-vn_151533167

Với tình hình thông tin còn nhiễu loạn trên mạng xã hội về vấn đề biển Đông những ngày qua, nguy cơ để xảy ra các vụ việc kích động biểu tình, gây rối là rất lớn. Nhất là trong bối cảnh “nỗi lo Trung Quốc” dâng cao từ vấn đề chủ quyền đến kinh tế, hợp tác xây dựng, phát triển…

Tỉnh táo để làm gì?

Điều tiên quyết mỗi khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội đó là phải cẩn trọng với “fakenews” – tin giả. Sẽ thật đáng ngờ nếu báo chí, truyền thông trong nước chưa đưa tin về tình hình biển Đông mà các trang mạng xã hội lại liên tiếp cập nhật tình hình? Nói gì đi nữa, cứ phải chờ thông tin chính thức từ cơ quan báo chí, truyền thông, các cơ quan Đảng, Nhà nước thì mới có độ tin cậy cao. Đừng để tin giả cũng như mạng xã hội có thể dắt mũi chúng ta chỉ với những thông tin mập mờ.

Thứ hai, bất kể đang có tranh chấp xảy ra trên biển Đông thì hành động của cộng đồng cũng cần phải hết sức cẩn trọng. Các chia sẻ được nêu trên mạng xã hội có nhắc đến vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển của Việt Nam. Tức là, Việt Nam hoàn toàn không nhượng bộ trước bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền trái phép của Trung Quốc. Tất nhiên, các lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển chỉ bảo vệ mà không tấn công, tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật quốc tế. Các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài khơi đang hết mình để bảo vệ chủ quyền một cách khôn khéo nhất thì mỗi người chúng ta lại càng phải có trách nhiệm để “tỉnh táo”.

Nói thẳng, việc kích động tụ tập, gây rối, biểu tình để phản đối Trung Quốc trong thời điểm này chính xác là một việc mất tỉnh táo. Bài học của năm 2014 vẫn còn ở đó.

Năm 2014, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là sự thật. Chủ quyền bị xâm phạm, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm… Đó là những thứ mà một quốc gia nước ngoài như Trung Quốc gây ra. Nhưng, chính bản thân người Việt chúng ta khi ấy cũng tự làm “tổn thương” mình.

Nhiều thông tin về xung đột biển Đông được đăng tải trên mạng xã hội.
Nhiều thông tin về xung đột biển Đông được đăng tải trên mạng xã hội.

Hàng loạt các vụ xuống đường, tập trung đông người, đập phá nhà máy, gây mất an ninh trật tự xảy ra. Đám đông cứ thấy hoặc nghĩ nhà máy nào là của người Trung Quốc thì sẽ đập phá, đốt, huỷ hoại tài sản, cơ sở vật chất,… Kết quả là du lịch chững lại, việc làm bị mất. Mọi hậu quả ngay lập tức đổ dồn ngược lại vào cuộc sống của người dân.

Khi ấy, Nhà nước còn phải sử dụng một khoản lớn ngân sách để đều bù thiệt hại cho các doanh nghiệp nước ngoài, giảm chi phí thuê đất đai, miễn giảm thuế cho các công ty có vốn nước ngoài để ổn định thu hút đầu tư,… Hàng loạt những hệ quả tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam khi ấy.

Đến cuối cùng, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc cũng phải rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng kết quả này không phải do những cuộc biểu tình, gây rối. Tất cả đều đến từ sự đấu tranh kiên cường của lực lượng bảo vệ trên biển cũng như chính sách ngoại giao, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Như vậy, tỉnh táo là khi chúng ta biết được những bài học trong quá khứ để có hành xử văn minh và hợp lý. Đừng để lặp lại những gì đã diễn ra như năm 2014 khi chính người Việt chúng ta gây hại thêm cho quốc gia. Hãy để sự đấu tranh bảo vệ chủ quyền được thực hiện một cách hợp lý và văn minh.

Biển Đông là khu vực có vị trí chiến lược quốc tế cũng như có nguồn tài nguyên quý giá. Trung Quốc chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm vùng biển này như những gì họ đã nêu trong chính sách về “đường lưỡi bò”. Để đấu tranh, Việt Nam rất cần phải có sự ủng hộ của quốc tế và hơn hết là sự đồng lòng của cả dân tộc.

Muốn bảo vệ chủ quyền, hãy ủng hộ lực lượng chiến đấu trên biển, ủng hộ cơ sở vật chất để tăng cường bảo vệ chủ quyền ngoài khơi xa. Đang xử lý vấn đề quốc tế, thì đừng dại mà tự làm loạn trong “sân nhà” chúng ta…

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều