Chuyển đổi số giáo dục để Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng
Giáo dục, nhất là giáo dục đại học sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và phát triển hùng cường, thịnh vượng. Việc đổi mới giáo dục, đại học Việt Nam chỉ có thể thực hiện thông qua chuyển đổi số.
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đây là hoạt động nhằm triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà giáo dục là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên.
Số hóa trường học, gắn mã định danh
Cho đến thời điểm này, một số chính sách chuyển đổi số giáo dục đã và đang mang lại các kết quả tích cực. Đáng kể nhất là việc quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến trong các trường đại học, triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, Internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,…
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin tất cả các đối tượng quản lý.
Đến nay, Bộ GD-ĐT đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh 53.000 trường học mầm non, phổ thông, hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn,…) và gần 24 triệu học sinh (với các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất,…)
Bộ cũng đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa để xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.
Trước sự lây lan của đại dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng CSDL và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch cho các cơ sở giáo dục. Có hơn 18.000 trường học đã cập nhật thông tin hàng ngày, từ đó hỗ trợ cho công tác phòng dịch.
Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành GDĐT xác định chuyển đối số đóng vai trò rất quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Sự thành công của việc chuyển đổi số ngành giáo dục cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.
Ngành giáo dục rất quan tâm đến việc làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Mục tiêu của ngành là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành giáo dục cần tổ chức lại để chuyển đổi số một cách bài bản hơn. Trước hết là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân, các giáo viên, học sinh… đều tham gia trên đó.
Quyết liệt, thần tốc và nền tảng mạnh: Điều kiện để chuyển đổi số giáo dục Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc CMCN lần thứ 4 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Cơ hội sẽ dành cho các đại học dám đi đầu và đi nhanh.
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế. Khác với các cuộc cách mạng trước đây vốn đòi hỏi việc đầu tư cho các công nghệ vật chất, công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người rất rẻ. Câu chuyện chính là chúng ta có dám làm hay không chứ không phải là có năng hay không.
CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội về sự “làm ngược” nhưng mang lại kết quả và hiệu quả bất ngờ. Đây là cơ hội của các đột phá, của những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau theo cách của người đi trước.
CMCN 4.0 đi liền với việc phá huỷ các mô hình cũ nhưng là sự phá huỷ mang tính sáng tạo. Cuộc cách mạng này tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược.
Đề xuất với Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi số, đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của người lãnh đạo. Bộ GDĐT cần một nghị quyết và một đề án về chuyển đổi số ngành giáo dục, tiếp đến là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy học.
Mục tiêu của chuyển đổi số đại học là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên và thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành GDĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả, đó chính là các nền tảng hay các platform.
Đây phải là nền tảng mở để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.
Để chuyển đổi số trong giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất việc biến trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Khi đó, toàn bộ hoạt động của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong trường đại học sẽ có một mã định danh số. Việc sống, học tập và làm việc trong môi trường số chính là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất.
Với vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao, điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua các khóa học trực tuyến được phát triển trên các nền tảng. Sự xuất hiện của những nền tảng như vậy sẽ xóa mù công nghệ cho vùng sâu vùng xa, góp phần nâng cao kỹ năng số cho xã hội.
Nhìn chung, để chuyển đổi số giáo dục thành công, ngoài ý chí quyết liệt của người lãnh đạo, cần phải có các nền tảng để giải bài toán của xã hội và phải đi nhanh thần tốc để thay đổi thứ hạng Việt Nam.
Đây là những góc nhìn gợi mở cho ngành GD-ĐT bởi giáo dục, đại học sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Trọng Đạt/VNN