Chuyến đi đầy trọng trách
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc chuyến công du đến 3 nước Châu Âu, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tại Brussels. Với hơn 60 hoạt động song phương, đa phương và cộng đồng, chuyến đi lần này được kỳ vọng sẽ mở đường để Việt Nam có thêm đơn hàng, cơ hội hợp tác thương mại với các đối tác lớn từ Châu Âu trong bối cảnh suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Nếu nhìn Châu Âu như lục địa đang hứng chịu khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine nặng nề nhất lúc này, ta sẽ thấy 3 nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ là những nước ít chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong khối. Đây đồng thời cũng là 3 nước EU đang giữ vị trí hàng đầu về đầu tư ở thị trường Việt Nam.
Trước giờ Luxembourg, Hà Lan, Bỉ là những nước chú trọng phát triển các nguồn năng lượng thay thế, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Đây chính là các đối tác lý tưởng để Việt Nam học tập kinh nghiệm, và tranh thủ kêu gọi đầu tư, vì chất lượng đầu tư từ nhóm nước này mang tính bền vững cao.
Điều đặc biệt có thể nhận thấy qua chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những ưu tiên kêu gọi đầu tư của phía Việt Nam, tập trung vào các ngành: năng lượng tái tạo, thủy hải sản, nông nghiệp sạch, hạ tầng (cảng biển, hàng không), đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động tay nghề cao. Qua đó, Việt Nam đã chuẩn bị cho các bước phát triển bền vững lâu dài, tận dụng khủng hoảng để sửa chữa các điểm yếu, củng cố tiềm năng đất nước.
Việc là một trong những quốc gia giữ vai trò điều phối các chính sách của ASEAN đã cho Việt Nam có tiếng nói quan trọng đối với các đối tác lớn nhất toàn cầu, đặc biệt là với EU. Lần này, khi đặt vấn đề phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), và đề nghị gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy hải sản Việt Nam, khai thông thị trường nông sản xuất khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất thẳng thắn bày tỏ mong muốn làm đối tác bình đẳng với EU.
Trong các cuộc gặp riêng với lãnh đạo nhiều nước và đối tác Châu Âu bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-EU, như: Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Croatia, Lithuania… Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp bày tỏ những lĩnh vực mong muốn nhận được đầu tư, phù hợp với đặc thù kinh tế của từng đối tác.
Còn nhớ trong chuyến công du hơn 1 năm trước (31/10-05/11/2021) để tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), kết hợp thăm chính thức 2 nước Anh, Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đem về cho đất nước gần 60 bản ghi nhớ hợp tác, với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực thuộc những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.
Có lý do để tin rằng Việt Nam đang dần trở nên bình đẳng hơn, vì quan trọng hơn trong quan hệ toàn diện với EU, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Đến lúc này, EU đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam.
Vì vậy, chuyến đi này, với nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ, cùng các Bộ, ban ngành quan trọng hy vọng vào một kết quả khả quan tương đương chuyến đi năm 2021 là rất có cơ sở.
Phạm Khoa