Mới đây, hàng loạt trang báo uy tín của Đức đều đồng loạt đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Theo trang Handelsblatt, các doanh nghiệp Đức đang ngày càng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh rủi ro và mục tiêu này được nhiều công ty đưa vào lộ trình kế hoạch của mình.
Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay đã có hơn 10 nhà máy mới của Đức được xây dựng ở Việt Nam. Bài báo đánh giá xu hướng này của các công ty Đức sẽ càng được “chắp cánh” thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Scholz.
Bài viết cũng dẫn lời ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thấy sự đa dạng hóa các quan hệ kinh tế của Đức ở châu Á hiện được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ.
Ngoài ra, trang Handelsblatt cũng đã đề cập tới Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) được ký từ 3 năm trước nhưng cho tới nay vẫn chưa được phía châu Âu phê chuẩn, không phản ánh đúng mong muốn của các doanh nghiệp Đức.
EVIPA đã được hai bên ký kết năm 2019, cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên, trong khi EVFTA có hiệu lực 1 năm sau đó thì EVIPA vẫn bị mắc kẹt trong quá trình phê chuẩn và cho tới nay mới chỉ có 12/27 nước EU phê chuẩn. Đức nằm trong số nước EU chưa phê chuẩn văn kiện này. Bất chấp việc EVIPA chưa được thông qua, số liệu của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết, đầu tư trực tiếp của Đức tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2020 – lên 1,3 tỷ euro.
Theo Handelsblatt, hai nước có điều kiện để hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế. Hiện Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch thương mại 14 tỷ euro (khoảng 14,46 tỷ USD). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Đức hiện có khoảng 180 nghìn người, đóng góp quan trọng cho mối quan hệ hai bên. Trong đại dịch Covid-19, hai nước cũng đã tích cực hỗ trợ nhau vượt qua.
Trong chuyến thăm, phía Đức hy vọng tăng cường hợp tác với Việt Nam về nguồn nguyên liệu thô. Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên với trữ lượng lớn như đồng, titan và kẽm.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng phải được nhìn nhận trong bối cảnh quốc tế lớn hơn và là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính phủ Đức.
Riêng trang Bưu điện sông Rhein (RP) lại cho biết, Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Scholz và tại Hà Nội, Thủ tướng Scholz có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Đây là chuyến công du thứ ba của Thủ tướng Scholz tới châu Á trong vòng 11 tháng qua. Trước đó, ông Scholz đã tới Nhật Bản và mới đây là Trung Quốc. Nhiều trang báo khác của Đức như Welt, Spiegel, Merkur, Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk)… cũng đưa tin về chuyến công du của Thủ tướng Scholz.
Liên quan tới quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam, giới chức Đức đánh giá rằng về mặt truyền thống, Đức có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố thị trường nội địa của hai bên, Đức và Việt Nam còn có mối quan hệ lịch sử lâu đời khi có rất nhiều người Việt sinh sống ở CHDC Đức trước đây. Đó là lý do ở Việt Nam có nhiều người nói và học tiếng Đức, thậm chí có cả Trường Đại học Việt- Đức.
Việt Nam thực sự là một đối tác kinh tế mạnh, có thể mở rộng các hình thức hợp tác khác nhau. Giới chức Đức cũng đánh giá cao sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đã quyên góp, hỗ trợ khẩu trang cho Đức và Đức đã đáp lại hỗ trợ trên 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam – một trong những nước được nhận vaccine của Đức nhiều nhất trên thế giới.
Cùng nhận định, trang Wirtschaftwoche đã đưa ra nhận định, điểm dừng chân của Thủ tướng Scholz tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp chuyến công du châu Á của ông. Chuyến thăm này được coi là “chuyến thăm làm việc” và tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đã tồn tại từ năm 2011 giữa Đức với Việt Nam.
Trọng tâm của cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đông đảo đại diện doanh nghiệp Việt Nam là các dự án kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và thương mại. Hai bên đã ký kết một số thỏa thuận chung. Đức cũng rất quan tâm việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và cung cấp lao động lành nghề của Việt Nam cho thị trường lao động Đức.
Đề cập những kết quả của chuyến thăm, trang Die Welt cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức tới Hà Nội đã đạt được những kết quả tốt. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 3 thỏa thuận hợp tác chung trong các lĩnh vực quốc phòng, lao động và giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục, thời gian qua, Trường Đại học Việt-Đức, dự án hợp tác chung giữa hai nước, được triển khai rất thành công. Ngoài ra, hai bên nhất trí thiết lập “Đối thoại năng lượng Đức-Việt”.
Định dạng hợp tác này sẽ tạo điều kiện để hai bên tăng cường thảo luận về cơ hội cho các công nghệ thân thiện với khí hậu và “chuyển đổi năng lượng công bằng về mặt xã hội”.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N