Chuyện của Ba Lan hay Ukraine đừng lôi Việt Nam vào
Có thể thấy, xung đột quân sự ở Ukraine buộc các nước phải có kế hoạch sơ tán công dân và nhân viên của nước mình tới nơi an toàn hơn. Và Việt Nam chúng ta cũng vậy, phải lên kế hoạch để chủ động sơ tán công dân ta ở nước này sang Nga hoặc các nước lân cận khi có yêu cầu. Thế nhưng rất nhiều đối tượng, tổ chức chống phá ngay lập tức đưa ra những nhận định mang ý chí chủ quan khi phán xét, phê phán chính quyền Việt Nam.
Mới đây, Việt Tân đã đăng bài viết của đối tượng Mạc Việt Hồng có tiêu đề “Ba Lan – nước láng giềng tốt bụng”. Tác giả bài viết ca ngợi tinh thần của Ba Lan khi nước này đã cử nhiều chuyến tàu hỏa sang Ukraine để chở những người dân sang Ba Lan lánh nạn. Sang tới Ba Lan, nếu không có người nhà đón, hoặc không được gia đình nào bảo lãnh, thì chính quyền sẽ thu xếp chỗ ở, cung cấp thức ăn miễn phí cho trong các trại.
Mạc Việt Hồng còn viết: “Ba Lan đón cả thương bệnh binh, người tàn tật. Hiện chính phủ đã thu xếp được khoảng 7000 chỗ trong các bệnh viện để chữa trị cho thương binh Ukraine…”. Sau đó, đá xoáy qua Việt Nam để xuyên tạc kích động rằng, “Việc đón rước, ăn ở đều miễn phí. Giải cứu nó phải thế nhé, chính phủ Việt Nam và mấy anh chị trong Bộ Ngoại giao mở to mắt ra mà nhìn. Đây là Ba Lan đi giải cứu công dân nước khác đó, không phải công dân nước họ đâu”.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đưa người Việt và thành viên gia đình về nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kiến nghị biện pháp phù hợp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Các hãng hàng không quốc gia đã xây dựng các phương án bay giải cứu công dân Việt Nam tại Ukraine với các đường bay theo thứ tự ưu tiên: Đường bay từ Hà Nội – Vacsava (Ba Lan). Kế đó là Hà Nội – Budapest (Hungary); Hà Nội – Bratislava (Slovakia), Hà Nội – Matxcơva (Liên bang Nga) và Hà Nội – Minsk (Belarus).
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… yêu cầu chuẩn bị nguồn lực (tàu bay, phi công, tiếp viên) và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân tại Ukraine về nước.
Nhân chuyện này, xin nhắc lại một sự kiện lịch sử đó là năm 2010-2011, chúng ta đã tổ chức những chuyến bay cứu hộ chưa từng có trong lịch sử để đưa hơn 10.000 lao động ở Libya về nước. Vào thời điểm này những cán bộ ngoại giao, lãnh sự của chúng ta phải đến tận những nơi chiến sự để lập danh sách, phối hợp với chính quyền sở tại bảo đảm an toàn cho việc đưa họ về nước. Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ thực hiện các chuyến bay này.
Những câu chuyện điển hình kia, không thể kể hết hàng núi công việc mà các cơ quan ngoại giao, lãnh sự của chúng ta ở nước ngoài phải làm trong một tình thế cấp bách nước sôi lửa bỏng giữa sự sống và cái chết hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn bà con cũng như gia đình họ ở trong nước.
Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình. Những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam được các cơ quan đại diện nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao.
Đến nay, Việt Nam vẫn thành công với chủ trương ngoại giao nhưng giữ quan điểm độc lập chủ quyền của mình
Mặt khác, đừng đánh đồng câu chuyện giải cứu của nước Ba Lan với Việt Nam. Bởi vì Ba Lan là nước làng giềng Ukraine, chính quyền hai quốc gia này có mối quan hệ hữu nghị thân thiết, chuyện giải cứu hay tạo điều kiện cho công dân vùng chiến sự tị nạn như là lẽ đương nhiên. Còn khoảng cách địa lý giữa Việt Nam – Ukraine khá xa, trong khi xét ở mối quan hệ quốc tế, chúng ta vẫn giữ quan hệ bình thường hóa với Ukraine.
Khách quan mà nói, để xảy ra xung đột như hiện nay, một phần lỗi do Ukraine. Người Việt tuy không có triết học theo nghĩa, giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, nhưng triết lý nhân sinh quan, thế giới quan do người Việt đúc kết quả thật phong phú, ví như “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “nhất cận thân nhì cận lân”.
Và bằng cách nào đó, người Ukraine tự cầm súng bắn vào chân mình, họ chọn cách đối đầu láng giềng Nga; hủy hoại tình thân, lột bỏ phũ phàng lịch sử Slav, dội nước lạnh vào niềm tự hào Xô viết, bằng chiến dịch gọi là “phi cộng sản hóa” dưới thời Tổng thống Yanukovych.
Từ đây có thể nói, mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời đó cũng là mục tiêu làm sao đóng góp vào công việc của cộng đồng quốc tế. Một mục tiêu đã được đề ra rất quan trọng là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tức là, sẽ là khập khiễng khi kêu gào đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải như Ba Lan. Đừng lôi Việt Nam vào chuyện của Ba Lan hay Ukraine, vì Việt Nam chỉ làm những điều những việc trong phạm vi, giới hạn cho phép mà thôi.
Sông Trà