+
Aa
-
like
comment

Chuyển công tác Chánh án “mây mưa” với kế toán trong phòng làm việc: Như một trò hề

Văn Dân - 12/12/2019 17:55

Quảng Bình, một tỉnh non nước hữu tình của miền Trung, vừa diễn một vở “hài kịch” rất thành công. Vở “hài kịch” này dám xem thường cả kỷ cương phép nước, giỡn cợt với người dân và cán bộ trong tỉnh. Và đáng lưu tâm nhất, họ không coi các quy định pháp luật hiện hành ra gì. 

Đó là “vở kịch” mà nhân vật chính là ông Đinh Lâm Xướng – Chánh án TAND huyện Minh Hóa (Quảng Bình), người đang nổi như cồn khi đoạn clip ông “mây mưa” với nữ kế toán tại phòng làm việc trong giờ hành chính bị lộ. Sau khi bị kỷ luật, lại được Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình chuyển qua một đơn vị khác trong hệ thống tòa án. Xử lý cán bộ vi phạm pháp luật, mà cứ như họ đang giận dỗi tát vào dư luận vậy

– Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa, nơi xảy ra sự việc.

Đường đường là một vị Chánh án huyện, nói về hiểu biết các quy định pháp luật thì cũng đứng nhất nhì bảng ở cái huyện đó vậy mà lại ngang nhiên làm điều sai quấy, như thế trong phòng làm việc. Khi sự việc bị phát giác, đã không dám thừa nhận sai phạm mà còn đổ thừa cho rượu. Lại thêm một tội nữa: uống rượu trong giờ làm việc. Rồi đến giờ, trả lời báo chí ông ta vẫn rất tỉnh cho biết, hiện tại sức khỏe, tinh thần ông vẫn tốt và ông vẫn đi làm bình thường. Quả là ngông ngược và coi thường dư luận.

Những sự việc này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tư pháp, cán bộ ngành tư pháp, làm giảm sút lòng tin của người dân về công bằng, lẽ phải, vậy mà lại được chuyển qua một bộ phận khác trong hệ thống tòa án. Trong khi, mới cách đây không lâu, 2 cán bộ của ngành Công an cũng vì những hành xử trái với quy định đạo đức, kỷ cương của ngành mà bị đuổi khỏi ngành. Nếu so với hành vi của ông Lâm Đình Xướng đây hẳn cũng chỉ như cái móng tay. Vậy mà Ông Xướng và nữ đồng nghiệp của mình vẫn an lành tại vị.

Cái hình thức kỷ luật này giống như một trò hề. Rõ ràng, những hình thức ‘kỷ luật’ nhẹ hều như thế này đối với những sai phạm nghiêm trọng của các quan chức nhà nước nó giống như kiểu điều trị các bệnh nhiễm khuẩn với liều thuốc ‘không đủ liều lượng’ dẫn đến bệnh không khỏi đồng thời làm cho vi khuẩn ‘nhờn thuốc’, hậu quả như thế nào thì mọi người đều rõ. Hình thức kỷ luật “làm cho có” đã sản sinh ra một loại “quan chức – vi khuẩn” nhờn thuốc và kháng lại rất nhiều loại thuốc, hậu quả thật khó lường.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác; bố trí sai là khác, rất nguy hiểm.

Rõ ràng, việc làm này của cơ quan tư pháp tỉnh Quảng Bình rất nguy hiểm, sai quy định, và khiến cán bộ không còn sợ sai phạm. Cán bộ sai phạm nghiêm trọng mà vẫn được luân chuyển qua bộ phận khác, chễm trệ hưởng lương nhà nước, thì quả là trò hề! Và nếu cách xử lý như thế này lan rộng, thì kỷ cương phép nước còn đâu.

Văn Dân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều