Chuyến công du gắn liền những thành tựu đa phương của APEC
Chỉ sau hơn 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế với 14 trong tổng số 28 đối tác chiến lược, 14 trong tổng số 16 hiệp định FTA, 75% kim ngạch xuất nhập khẩu có liên quan đến thiết chế đa phương này.
Thập niên cuối cùng trong thế kỷ 20 đánh dấu những bước đi mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình hồi nhập quốc tế. Sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996, việc tham gia APEC năm 1998 đánh dấu bước chuyển quan trọng. Và là tiền đề để nâng hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Việc tham gia APEC thể hiện quyết tâm của chúng ta nhằm đóng góp tích cực thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.
APEC là diễn đàn đa phương mang lại nhiều cơ hội
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích. Trong xu hướng cạnh tranh địa chính trị mạnh mẽ giữa các cường quốc hiện nay thì một cơ chế đa phương như APEC ngày một được coi trọng.
Đơn cử như, các thành viên APEC đã kiên quyết chống lại quan điểm bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Điều này giúp đạt được sự ‘tái ổn định’ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các kết quả cải cách thương mại (bao gồm trợ cấp nông nghiệp và thủy sản), đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nguyên tắc đa phương trong thương mại. Từ đó đến nay, cuộc đối đầu Mỹ – Trung diễn ra gay gắt, và các cường quốc này đều nhiệt tình với diễn đàn APEC như để tìm kiếm cơ hội hợp tác đa phương. Điểm đặc biệt của APEC ở chỗ đây là diễn đàn mang lại tiếng nói bình đẳng và đòi hỏi sự đồng thuận giữa tất cả các thành viên, lớn, nhỏ và trung bình.
Việc tham gia APEC góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam khi chúng ta có vai trò, tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực. Chúng ta đã tận dụng rất tốt diễn đàn này để đẩy các quan hệ song phương, góp phần tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Nổi bật là với vai trò chủ nhà năm APEC 2006, chúng ta đã thúc đẩy thực chất quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt, đặc biệt là qua các chuyến thăm của các nhà Lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Chile trong dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2006.
Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp lớn và mang lại nhiều thành tựu quan trọng
Năm 2006, sau 8 năm gia nhập, Việt Nam lần đầu tiên được chọn là nước chủ nhà cho hội nghị APEC và chỉ một năm sau Việt Nam đã là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều này chắc chắn không phải sự ngẫu nhiên, mà nó là sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế về uy tín và phẩm chất của một nước Việt Nam ngày càng hội nhập, năng động, cởi mở.
Đó là thời điểm khó khăn của thế giới với với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, chống toàn cầu hóa cũng như các thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, già hóa dân số… Một chi tiết đáng chú ý ở thời điểm đó là ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương khi đó gọi là TPP, và Hiệp định này có nguy cơ bị đình trệ.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, với bản lĩnh và trí tuệ, với quyết tâm và sự đồng lòng, Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện. Đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động và hiện đại. Ngay trong tuần lễ này, Việt Nam đã tổ chức thành công buổi Đối thoại lần đầu tiên giữa Lãnh đạo APEC với ASEAN và tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mới (CPTPP).
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do nước ta đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…Chúng ta cũng có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.
Từ tiền đề sẵn có với sự dẫn dắt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm và đã trực tiếp tham gia APEC 2017, chắc chắn Việt Nam sẽ tận dụng rất tốt cơ hội này để đẩy mạnh hợp tác toàn diện với bạn bè trên khắp thế giới.
An Diễm