Chuyến công du của Thủ tướng mang về bao nhiêu thỏa thuận hợp tác thương mại?
Chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phương Tây đã mang lại rất nhiều thành quả đáng mừng cho Việt Nam. Gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận với tổng giá trị cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.
Từ ngày 31/10 đến ngày 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp.
“Chuyến công du đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược”, theo Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.
Trong đó, về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói về kết quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Video: Giang Nguyễn
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trước đây có cách tiếp cận thận trọng, song lần này trong chuyến công du của Thủ tướng, các doanh nghiệp đó đã khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới.
Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu tham dự trực tiếp và trực tuyến hai diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp. Các bản ghi nhớ hợp tác tại hai diễn đàn này cũng như trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng, chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…
Đây đều là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam, trong đó có loạt thỏa thuận, hợp tác và hoạt động trong lĩnh vực hàng không, như: Bamboo Airways công bố đường bay thẳng đầu tiên Việt Nam – Anh; thỏa thuận của các hãng hàng không trong nước với Safran (tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp), bao gồm hợp tác chiến lược trị giá 10 tỷ USD giữa Vietjet với tập đoàn này…
Ngoài ra, Vietjet và Airbus cũng ký thỏa thuận đối tác chiến lược về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng cùng nhiều hỗ trợ khác sau đại dịch; FPT Software và Airbus Skywise thỏa thuận hợp tác chiến lược về triển khai các giải pháp công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành hàng không.
Tại Pháp, Vietnam Airlines đã phối hợp AERCAP – tập đoàn cho thuê tàu bay thương mại lớn nhất thế giới, tổ chức buổi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, để làm việc về các giải pháp cho ngành hàng không Việt Nam. Trao đổi với ông Aengus Kelly, Tổng giám đốc AERCAP, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có lộ trình mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là mở cửa các đường bay quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để ngành hàng không Việt Nam phục hồi.
Về năng lượng tái tạo, HDBank và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) đã ký thỏa thuận tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD để tài trợ các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam; tập đoàn T&T và Total thỏa thuận hợp tác chiến lược để đầu tư các dự án khả thi, dự kiến lên đến 3 tỷ USD…
Trong lĩnh vực giáo dục, tại Anh, tập đoàn Sovico và Viện Đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh; trong đó, Quỹ học bổng 7,5 triệu bảng Anh sẽ dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tập đoàn T&T và đại diện Trường quản trị Normandie cũng thỏa thuận hợp tác về tư vấn xây dựng các mô hình giáo dục quốc tế chất lượng cao; IDS Equity Holdings và Công ty Euro Asia Edu hợp tác phát triển, thành lập trường Đại học theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu tại Hà Nội và TP HCM; Đại học Văn Lang và Đại học Paris – East Creteil hợp tác về đào tạo cấp bằng liên kết bậc đại học và thạc sỹ trên nhiều chuyên ngành…
Các thoả thuận hợp tác nổi bật khác, gồm: VinFast và đối tác EDF ký biên bản ghi nhớ hợp tác lắp đặt trạm sạc điện, thiết kế riêng ưu đãi cho chủ xe điện của hãng tại Pháp; Vingroup và Raphael Labs (Anh) thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp; quỹ Đầu tư Affinity và HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính củng cố tin cậy chính trị với các đối tác chiến lược”. Video: Giang Nguyễn
Cũng trong chuyến công du, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu.
Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế cũng đã làm việc riêng với khoảng gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo ngành Ngoại giao và Kế hoạch Đầu tư, chuyến công du của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại rất sôi nổi sau một thời gian bị ảnh hưởng, gián đoạn do đại dịch.
Thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.
“Đặc biệt, thông điệp của Thủ tướng về việc Việt Nam sẽ chuyển mạnh sang mô hình phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải được nhiều nhà đầu tư hoan nghênh, quan tâm”, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Minh Anh