+
Aa
-
like
comment

Chuyện có thật: “Siêu cường kinh tế thừa nhận đang gặp khó khăn”

Lan Hoa - 26/08/2022 09:07

“Kinh tế đất nước đang gặp khó khăn…” chính là tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khiến thế giới vô cùng bất ngờ, đặc biệt là khi Trung Quốc đã vươn lên vị trí “quốc gia giàu nhất thế giới” vào năm 2021.

Khu thương mại sầm uất của Trung Quốc vắng lặng vì các quy định giãn cách.

Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa có chuyến thị sát tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Tại đây, ông đã trao đổi với các quan chức hàng đầu đến từ 6 tỉnh kinh tế lớn (Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên) và kêu gọi họ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. Ông cũng đề nghị hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn và thúc đẩy tiêu dùng tại địa phương, đặc biệt là với nhóm sản phẩm giá trị lớn như xe hơi hay nhà ở.

Phát biểu trong một cuộc họp, ông Lý Khắc Cường đã ngậm ngùi thừa nhận: “Hiện nay chúng ta đang ở thời điểm khó khăn nhất của quá trình hồi phục kinh tế. Sáu tỉnh hiện là cột trụ kinh tế của Trung Quốc nên cần dũng cảm đi tiên phong, đóng vai trò chủ chốt trong việc bình ổn kinh tế”.

Thủ tướng Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi trên chỉ vài ngày sau khi các quan chức ở tỉnh Tứ Xuyên ra lệnh cho các nhà máy khắp tỉnh này đóng cửa một tuần để đảm bảo đủ điện sinh hoạt. Còn đối với tỉnh Quảng Đông, một trong những tỉnh năng động nhất và là đầu tàu xuất khẩu của Trung Quốc, chỉ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2% trong nửa đầu năm, thấp hơn so với kỳ vọng rất nhiều.

Trong cuộc họp riêng với lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, ông Lý Khắc Cường yêu cầu “chính quyền địa phương nên tận dụng triệt để chính sách của chính phủ để giữ động lực thị trường, ổn định nền kinh tế và đảm bảo việc làm cho lao động nhập cư”.

Được biết, đây chỉ là một trong nhiều lần trong năm, ông Lý Khắc Cường lên tiếng về kinh tế Trung Quốc và liên tục nhấn mạnh nhu cầu bình ổn thị trường việc làm “phức tạp”. Ông cảnh báo, Trung Quốc hiện còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác, trong đó có các đợt phong tỏa do Covid-19, khủng hoảng bất động sản và thời tiết khắc nghiệt…

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo phân tích của CNN, phát biểu của ông Lý Khắc Cường là hoàn toàn có cơ sở, dựa theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 15/7. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 2,6% trong quý II so với quý I – mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Đây cũng là kết quả tệ nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi chuỗi dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1992, không tính tới mức suy giảm 6,9% trong quý đầu năm 2020 do cú sốc ban đầu từ Covid-19.

Lần này, khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc đã phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay. Hiện tại, mọi hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới đã bị cản trở bởi chính sách “hà khắc”, khiến hàng tháng trời công nhân ở hàng chục thành phố phải đóng cửa ở nhà, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó xoay sở với việc đảo ngược chính sách hà khắc, vì rất có thể nó lại mở ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Càng ngày, nền kinh tế Trung Quốc càng xuất hiện nhiều dấu hiệu giảm tốc. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong Quý II/2022, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 4,3%. Doanh số bán lẻ cũng tăng 2,7%. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5.7% trong 7 tháng đầu năm, cũng thấp hơn dự báo là 6,2%.

Biều đồ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giai đoạn 2019-2022.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi đã lên cao kỷ lục, tăng từ 19,3% hồi tháng 6 lên  19,9%. Đầu tư vào bất động sản giảm 6.4% trong 7 tháng đầu năm. Số nhà xây mới tại 70 thành phố giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7. Cuộc khủng hoảng bất động sản càng nhấn chìm nước này.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố số liệu bán lẻ, đầu tư và sản lượng công nghiệp. Tất cả các chỉ số này đều không đạt dự báo.

Các chuyên viên phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc yếu đi do chính sách tái phong tỏa vì Covid-19 tại nhiều thành phố. Trung Quốc hiện cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất 6 thập kỷ, gây thiếu điện tại nhiều nơi. Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến mùa màng nhiều vùng nông nghiệp, khiến giá rau tăng vọt.

Các chỉ số bán lẻ, đầu tư và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đều không đạt dự báo.

Theo ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước bờ vực rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ. Cam kết “Zero Covid” của chính quyền khiến cho việc duy trì tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn và khả năng tái mở cửa càng trở nên mỏng manh hơn. Không loại trừ khả năng kinh tế Trung Quốc có thể suy giảm hai quý liên tiếp. Nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ thì nghịch lý “siêu cường kinh tế gặp khó khăn” vẫn có thể xảy ra.

Được biết, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quốc gia có giá trị tài sản ròng lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tải sản ròng trong năm 2020 là 120 nghìn tỉ USD. Vì vậy, việc cường quốc kinh tế “dẫn đầu thế giới” gặp khó khăn đã cho thấy tình hình khủng hoảng toàn cầu vô cùng trầm trọng. Hơn nữa, việc này cũng khiến các chuyên gia nhận định “Zero Covid” chính là vật cản kìm chân kinh tế Trung Quốc.

Lan Hoa (Theo CNN, Tân Hoa Xã)

Bài mới
Đọc nhiều