+
Aa
-
like
comment

Chuyện chưa kể về tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

18/09/2020 15:58

Ngày 16/9/2020, ông Suga Yoshihide chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và lập nội các mới, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) hai ngày trước. Ông Suga là điển hình thành công của trường hợp con nhà nghèo vượt khó, nỗ lực tiến thân, đồng thời ông có vận may trong một chính trường có những thay đổi bất ngờ, đầy ngoạn mục.

Ông Suga công bố niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản “Reiwa” tại Tokyo hôm 1/4/2019.

Ông Suga Yoshihide, 71 tuổi, trở thành Thủ tướng trong một bối cảnh khá đặc biệt, có thể gọi là bất ngờ đối với cả chính ông. So sánh với hai đối thủ của ông (Ishiba Shigeru và Kishida Fumio) trong cuộc cạnh tranh vào chức Chủ tịch LDP cũng thấy điều đó.

Ông Ishiba, 63 tuổi, trở thành dân biểu Quốc hội từ lúc còn rất trẻ (27 tuổi) và cho đến bây giờ liên tục được bầu vào Quốc hội tất cả 11 lần. Ông Ishiba đã kinh qua các chức vụ quan trọng trong Đảng (Tổng thư ký) và Chính phủ (Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp…). Đặc biệt ông Ishiba đã 4 lần tranh cử vào chức Chủ tịch LDP, kể cả hai lần tranh với ông Shinzo Abe, người vừa phá kỷ lục làm Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Từ nhiều năm nay, trong các cuộc điều tra dư luận về việc ai là người xứng đáng làm Thủ tướng sau ông Abe, thì ông Ishiba luôn đứng đầu và thường bỏ xa người thứ hai.

Còn về ông Kishida, 63 tuổi, trở thành dân biểu năm 36 tuổi và cho đến nay liên tục được bầu vào Quốc hội 9 lần, từng giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ (Bộ trưởng Ngoại giao) và Đảng (Trưởng Ban Chính sách Trung ương). Đặc biệt từ nhiều năm nay ông Kishida được Thủ tướng Shinzo Abe và nhiều lãnh đạo khác trong LDP xem là người sẽ thừa kế ông Abe. Hai năm trước, ông Kishida cũng quyết định không ra tranh cử Chủ tịch Đảng mà tuyên bố ủng hộ LDP thay đổi điều lệ để ông Abe làm thêm nhiệm kỳ nữa. Cho đến đầu năm nay, ai cũng nghĩ ông Shinzo Abe sẽ làm Thủ tướng đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9 năm sau, và lúc đó cả ông Ishiba và ông Kishida sẽ tranh nhau vào vị trí thay thế người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản. Hai người tìm mọi cách củng cố thế lực chuẩn bị cho cuộc thư hùng vào tháng 09/2021. Ông Ishiba, như đã nói ở trên, được dư luận Nhật Bản nói chung và đảng viên LDP nói riêng đánh giá rất cao nhưng trong Quốc hội thì yếu thế (8 năm trước, trong cuộc cạnh tranh với ông Shinzo Abe, ông Ishiba thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ ở cấp đảng viên nhưng ở Quốc hội thì thua nhiều). Còn ông Kishida thì chiếm ưu thế trong Quốc hội, đặc biệt Thủ tướng Shizo Abe và nhiều lãnh đạo khác ủng hộ, nhưng không được đảng viên và dư luận nói chung đánh giá cao.

Trong khi cả ông Ishiba và ông Kishida là những vì sao nổi lên trên chính trường và đã nhiều năm tích cực chuẩn bị chạy đua vào vị trí lãnh đạo đất nước thì hình ảnh ông Suga khá lu mờ cho đến khoảng một năm gần đây. Đến năm 47 tuổi ông mới trở thành dân biểu Quốc hội và mới chỉ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước khi trở thành Chánh Văn phòng Nội các từ tháng 12/2012 đến nay. Ở cương vị này, hàng ngày ông họp báo hai lần nên dễ được dân chúng biết đến. Tuy vậy, trong các điều tra dư luận về ai sẽ là người đủ tố chất làm Thủ tướng sau ông Shinzo Abe, tên ông chỉ mới xuất hiện khoảng 1 năm gần đây và thường ở vị trí thấp, thứ 4 hoặc 5. Lý do có lẽ vì ông chưa bao giờ cho thấy ý muốn lãnh đạo đất nước và vì nhiều người khác tỏ ra nổi trội hơn.

Tình hình chuyển biến từ khoảng tháng 6 năm nay, ông Kishida mất uy tín trong quyết định chính sách của LDP về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid19. Thêm vào đó, ông Kishida tiếp tục xếp ở vị trí thấp trong các cuộc thăm dò dư luận về người có tố chất lãnh đạo Nhật Bản trong tương lai.

Ngày 2/9, chỉ 2 ngày trước khi danh sách ứng cử vào chức Chủ tịch LDP được công bố, ông Suga mới chính thức tuyến bố sẽ ra tranh cử. Lúc này người ta mới biết nhiều về thân thế và cuộc đời học tập, tiến thân của ông. Trong một tuần vận động tranh cử, ba ứng cử viên Ishiba, Kishida và Suga xuất hiện thường xuyên trên ti vi, trong các cuộc diễn thuyết do Trung tâm báo chỉ tổ chức… So với ông Kishida và ông Ishida, những chính trị gia lão luyện, diễn thuyết giỏi và đã có nhiều năm chuẩn bị làm lãnh đạo, thì ông Suga có vẻ vụng về hơn và ít gây ấn tượng hơn. Tuy nhiên xuất thân trong gia đình nghèo khó và nỗ lực vượt khó của ông đã nhanh chóng tranh thủ được đồng cảm của dân chúng. Người Nhật nói chung rất dễ cảm thông với những trường hợp như ông Suga. Sau khi ông Suga tuyên bố ứng cử vào chức Chủ tịch Đảng, cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Suga vượt ông Ishiba giành vị trí thứ nhất trong những người được cho là có tố chất lãnh đạo Nhật Bản sau ông Abe.

Ông Suga là con trưởng trong một gia đình nông dân tại một làng quê ở Akita, một tỉnh ở vùng phía bắc Nhật Bản. Thời nhỏ của ông ở vùng ấy, hơn 1/2 người tốt nghiệp trung học cơ sở phải đi Tokyo hoặc những đô thị khác để tìm việc làm, 1/4 thì làm nông, kế tục công việc của gia đình, còn 1/4 mới tiếp tục học lên cấp III. Hồi đó ông Suga nghĩ mình sẽ làm nông vì là trưởng nam, nhưng cuối cùng học lên được Cấp III, tốt nghiệp vào năm 1967, ông lên Tokyo tìm việc và làm trong một nhà máy chế hộp giấy. Dành được ít tiền đủ đóng học phí ông quyết học lên đại học. Thời đó nhiều đại học tư mở các khóa buổi tối để cho những sinh viên gặp khó khăn về kinh tế có thể vừa làm việc ban ngày mà vẫn có thể tốt nghiệp đại học. Ông Suga vừa theo học khóa buổi tối ở Đại học Hosei vừa đi làm thêm ở nhà hàng, khách sạn. Tốt nghiệp đại học (1973), ông được nhận vào làm việc tại một công ty, độ 2 năm sau ông chuyển sang làm thư ký cho một dân biểu Quốc hội vì thấy con đường làm chính trị dễ có cơ hội góp phần thay đổi đất nước. Năm 1987 ông được bầu vào nghị viên thành phố Yokohama và năm 1996 được bầu vào Quốc hội.

LDP là đảng cầm quyền tại Nhật suốt từ khi thành lập (1955) đến nay, trừ hai giai đoạn ngắn tổng cộng độ 5 năm. Trong LDP các dân biểu quốc hội tập họp quanh một lãnh tụ tạo thành những phái cạnh tranh nhau giành chính quyền. Thông thường phải là lãnh tụ một phái mới có thể ra tranh cử vào chức Chủ tịch đảng (như ông Kishida và ông Ishiba đều là lãnh đạo phái Kishida và phái Ishiba). Còn ông Suga Yoshihide chẳng những không là lãnh đạo mà cũng không thuộc phái nào. Có lẽ vì vậy mà cho đến gần đây ông không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành lãnh đạo LDP và chính quyền. Ở điểm này, ông cũng là trường hợp rất ngoại lệ.

 

Trong tuần lễ vận động tranh cử, nói về phương châm xây dựng dất nước, ông Suga nhấn mạnh là trước mắt sẽ tiếp tục sự nghiệp của Thủ tướng Shinzo Abe và từng bước đề ra phương sách giải quyết những vấn đề mới và lâu dài. Ông đưa ra chủ trương Tam Trợ (tự trợ, cộng trợ và công trợ). Mỗi cá nhân trước hết phải tự mình lo cho mình (tự trợ), khi tự lo không được thì gia đình, bè bạn và cộng đồng sẽ giúp (cộng trợ), cuối cùng tự trợ và cộng trợ vẫn không giải quyết được thì nhà nước sẽ giúp (công trợ) qua mạng lưới an sinh xã hội.

Nhìn chung, tân Thủ tướng Suga Yoshihide không có tác phong của một lãnh đạo toàn diện như ông Shinzo Abe mà có vẻ giỏi về nội trị qua kinh nghiệm gần 8 năm phụ trách Chánh Văn phòng Nội các (chức vụ quan trọng tương đương Phó thủ tướng thường trực ở Việt Nam). Còn khả năng ứng phó linh hoạt trên mặt trận ngoại giao, khả năng mở và duy trì quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước chắc là bị hạn chế. Dù sao, trước mắt Nhật Bản phải đối phó với nhiều vấn nạn trong nước như dịch bệnh, thiên tai, an sinh xã hội… và đây là những lãnh vực tân Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ phát huy năng lực lãnh đạo.

Có lẽ Thủ tướng Suga biết giới hạn của mình và thời gian chuẩn bị lãnh đạo đất nước quá ngắn nên thành phần nội các (gồm 20 bộ trưởng) được ông quyết định mới đây phản ảnh sự kế tục nội các thời ông Shinzo Abe (có 8 bộ trưởng được lưu nhiệm chức cũ, 3 bộ trưởng chỉ thay đổi nhiệm sở và 4 người khác từng làm bộ trưởng của Abe trong những nhiệm kỳ trước, chỉ có 5 người là mới làm bộ trưởng lần đầu)

Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ

Bài mới
Đọc nhiều