TP.HCM có đủ máy thở, bình oxy hay không là nhờ vào mỗi người dân
Cuộc chiến trước đại dịch COVID-19 tại TP.HCM đến nay vẫn chưa kết thúc, nhiều khu vực tiếp tục phong tỏa. Lợi dụng tâm lý căng thẳng, lo lắng của người dân thành phố, nhiều tổ chức, cá nhân lại tìm cách bóp méo những thông tin từ Sở Y tế để tạo ra một làn sóng khan hiếm vật tư y tế, mà cụ thể là máy thở và bình oxy.
Thời gian qua, trước việc một số bệnh viện vận động tài trợ thiết bị như máy thở, bình oxy, Sở Y tế TP.HCM ra công văn yêu cầu chấn chỉnh việc kêu gọi tài trợ tại các bệnh viện. Ngay lập tức, các trang mạng, tổ chức chống phá như Việt Tân liền vịn vào đây để “đăng đàn” với tư tưởng cho rằng Sở Y tế “cản trở người dân đóng góp”, với lý giải khá nực cười được đưa ra là vì Sở… “sợ mất mặt”. Nhưng điều nguy hiểm là dù Sở Y tế đã khẳng định TP.HCM không thiếu máy thở, thì các trang mạng này vẫn bất chấp nói ngược, luôn miệng cho rằng có một sự thiếu hụt trang thiết bị y tế tại TP.HCM.
Theo Giám đốc Sở y tế TP.CHM, số lượng máy thở tại các bệnh viện của thành phố hiện đạt hơn 2.000 máy, không hề có việc khan hiếm, thiếu hụt. Đối với việc trang bị cho bệnh viện dã chiến, sở cũng đã cho biết thực tế, bình oxy mới là điều quan trọng nhất tại các bệnh viện dã chiến, và hiện có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Nhưng tại sao các trang mạng vẫn một mực phải “nói ngược”?
Khi “cố đấm ăn xôi”, liên tục phát tán những thông tin sai lệch về tình hình vật tư y tế của thành phố, điều mà các trang mạng như Việt Tân nhắm đến, không gì khác ngoài việc gieo rắc tâm lý hoang mang, lo sợ trong một bộ phận người dân TP.HCM. Và khi tâm lý tiêu cực này dâng cao, hậu quả tất yếu là một dòng người sẽ đổ xô đến các cửa hàng thiết bị y tế để tìm mua máy thở, bình oxy với suy nghĩ phòng hờ, tính trước, lo xa… Để rồi, điều mà chính các trang mạng này rêu rao sẽ trở thành hiện thực, tình trạng khan hiếm thiết bị y tế khi đó sẽ không chỉ còn là những lời bịa đặt.
Viễn cảnh mà chúng ta đang đối mặt, nếu tiếp tục bị những lời dối trá của các trang mạng lôi kéo, được gọi là ‘tiên tri tự ứng nghiệm’ (self fulfiliing prophecy). Khi người dân thành phố bị dụ dỗ, tin rằng có sự thiết hụt máy thở, bình oxy… chính họ sẽ tạo ra nó bằng việc kéo nhau lùng sục, tìm mua cho bằng được các trang bị này. Bị tâm lý đám đông và suy nghĩ “sợ mất phần” chi phối, sẽ có không ít người bị lôi kéo theo “làn sóng mua sắm”… Và điều gì đến sẽ đến, khi các thiết bị bị “vét sạch” bởi hàng ngàn người dân, thì lời “dự báo” thiếu máy thở, bình oxy đã trở thành hiện thực…
Chính chúng ta, chứ không phải là ai khác, sẽ là tác nhân làm cho lời “tiên tri” của các trang mạng đang tích cực phá hoại đất nước được “ứng nghiệm”.
Những kẻ đang phát tán những tin giả độc hại như Việt Tân, tất nhiên biết rằng nó sẽ tạo nên sự sợ hãi trong lòng người dân. Và các phần tử này cũng nhận thức được hậu quả đáng sợ của việc kích động người dân thu gom máy thở, bình oxy. Nhưng đó chính xác là những gì Việt Tân đã và đang làm, rắp tâm phá hoại nỗ lực chống chọi bệnh dịch của Việt Nam bằng mọi giá, dù nó có thể trả giá bằng tính mạng của người dân.
Đây cũng là một trong những lý do đằng sau yêu cầu chấn chỉnh việc vận động tài trợ tại các bệnh viện của Sở Y tế TP.HCM. Bởi nếu không ngăn chặn từ sớm, không ai có thể lường được hậu quả nếu sự khan hiếm thật sự xảy ra. Nhưng cũng như mọi nỗ lực chống chọi trước đại dịch, nó không thể mang lại kết quả nếu không có sự đồng lòng của người dân. Điều chúng ta có thể làm, đơn giản là không tích trữ máy thở, bình oxy nếu không thật sự cần thiết, không có người bệnh trong nhà cần thở oxy.
Cũng như cách chính chúng ta sẽ làm “ứng nghiệm” lời “tiên tri” độc hại, khả năng ngăn chặn viễn cảnh đó cũng nằm trong tay của chính mỗi người dân thành phố. Sự bình tĩnh, lòng kiên định không bị lung lạc bởi những lời dối trá, sẽ phá tan lời “tiên tri” đầy dã tâm ấy.
Hạnh Văn