Chuyện chiếc loa kéo và ý thức nơi công cộng
Mới đây, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu đề nghị UBND TPHCM đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp và nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Và ý kiến cần chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa di động trong khu dân cư được nhiều người đồng tình ủng hộ.
“Lỗi không phải tại chiếc loa kéo”
Từ lâu, thực trạng loa kẹo kéo làm phiền, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân đã tồn tại nhiều năm nay. Từ đám tiệc, hội hè cho đến chuyện rảnh rỗi mang loa ra hát là chuyện ở đâu cũng thấy. Không chỉ trong xóm, khu phố mà ngay cả ở những chung cư, khu căn hộ tình trạng này cũng không nằm ngoại lệ. Thực tế, những vụ án mạng đau lòng xuất phát từ việc hát karaoke gây ồn ào không hề hiếm. Hàng ngày, việc hàng xóm vì mải mê “giải trí” mà làm phiền những người xung quanh vẫn khiến nhiều người phải nhíu mày, khó chịu.
Về quy định xử phạt không phải là không có nhưng có rồi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn không hề thuyên giảm. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau”.
Với thực trạng ô nhiễm tiếng ồn từ những chiếc loa kéo như trên, thiết nghĩ lỗi không phải ở chiếc loa mà cấm sử dụng chúng mà lỗi ở đây chính là ý thức của một số người và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu chúng ta cấm loa “kẹo kéo” mà không xử lý mạnh tay, triệt để thì những người vô ý thức vẫn có thể tiếp tục “tra tấn” hàng xóm bằng các loại loa cố định.
Câu chuyện ý thức nơi công cộng
Mỗi lần ra đường, hai tai tôi bị choáng ngợp bởi vô vàn tiếng còi xe inh ỏi: xe máy, taxi, xe tải… Buổi tối, tai tôi bị tra tấn bởi những hàng xóm vui vẻ có thói quen hát hò và bật nhạc tới nửa đêm. Thực tế, hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận. Nguyên nhân là do ý thức kém của nhiều người: nói chuyện lớn tiếng nơi công cộng; chạy xe bóp kèn ầm ỉ; bán hàng mở loa quảng cáo hết công xuất; hát karaoke bất kể giấc ( từ thành thị đến nông thôn)…
Thực tế, ô nhiễm tiếng ồn đã gây ra khó chịu ở khắp nơi, thậm chí có nhiều vụ ẩu đả, làm chết người giữa người gây ồn và hàng xóm. Thiết nghĩ, hành xử của một người không làm ảnh hưởng đến không gian chung quanh hay những người khác đó là thước đo quan trọng để ta có thể đánh giá văn hoá ứng xử, văn minh của họ. Một cộng đồng càng giảm thiểu được tiếng ồn, ở một khía cạnh nào đó đã cho thấy trật tự, trình độ tổ chức cuộc sống cao. Một người biết gìn giữ môi trường, tôn trọng không gian sống của người khác, chắc chắn họ là những người hiểu hơn ai hết và biết tôn trọng tự do cá nhân của những người khác.
Giống như xả rác nơi công cộng, việc gây tiếng ồn là một thói quen không lành mạnh, bắt nguồn từ sự thiếu ý thức về môi trường và không gian xung quanh. Người ta gây ồn ào vì ý thức chưa đủ cao chứ không phải vì có ý xấu.
Tôi có cơ hội qua Penang Malaysia. Một nền văn minh khác. Khu nhà tôi luôn yên ắng, sáng sớm trước nhà là khoảng sân cỏ, nghe được tiếng chim vọng trong không gian. Ra đường không có tiếng còi nào. Chưa bao giờ tôi nghe thấy còi. Tại sao chúng ta bước chân qua Nhật Bản, hầu như ở quán ăn, giải khát hay những nơi công cộng đều gần như không có tiếng ồn nào? Trước hết là do văn hoá sinh hoạt của người dân quốc gia này, họ coi tiếng ồn là một sự phiền nhiễu ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc, đặc biệt là lúc thư giãn, nghỉ ngơi. Hơn nữa là họ quy định và xử phạt nghiêm những người, tổ chức gây ra tiếng ồn để đảm bảo không ai bị phiền nhiễu vì những âm thanh hỗn tạp này trong cuộc sống.
Hiện nay, người Việt sống thường kém ý thức và chỉ để ý đến lợi ích cá nhân mà không màng gì tới quyền lợi của người khác. Và họ sống theo tập tục rất tuỳ tiện. Đặc biệt là việc ăn nói và nếp sinh hoạt chung nơi công cộng.
Thế nên, muốn người dân văn minh, ý thức, bắt buộc phải có luật nghiêm khắc, lấy hình thức phạt nghiêm làm cảnh tỉnh những trường hợp khác.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả