Chuyến bay quả cảm vào vùng “tâm bão” với lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau
Còn nhớ ngày 10/02 vừa qua, hàng triệu trái tim người Việt vui mừng xen lẫn niềm tự hào khôn xiết khi biết 30 công dân Việt Nam (trong đó có một phụ nữ mang thai 8 tháng) đã được trở về từ tâm dịch Vũ Hán. Đến nay, cảm xúc ấy một lần nữa được lặp lại, thậm chí còn lớn lao hơn khi biết sắp tới, Việt Nam sẽ đón nhận một chuyến bay trở về từ Guinea Xích Đạo với 219 người. Chuyến bay này, có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo, mà nó mang theo cả trăm người bị nhiễm Covid-19 trở về.
Guinea Xích Đạo là một quốc gia thuộc Châu Phi. Nơi đây kinh tế kém phát triển, phụ thuộc nhiều vào cây nông nghiệp, cơ sở vật chất, y tế còn rất khó khăn và nghèo nàn. Chính vì vậy, 120/219 lao động Việt bị nhiễm Covid-19 ở nơi đây đang gặp tình trạng hết sức khó khăn. Bất đồng về ngôn ngữ, không hợp về khẩu phần ăn, bệnh tật nơi xứ người không được chăm sóc chu đáo khiến hàng trăm đồng bào ta phải kêu cứu. Một bệnh nhân Việt ở Guinea Xích Đạo chia sẻ, “Phiên dịch là không có, mà bọn em không hiểu ngôn ngữ của đất nước này. Nhiều khi cứ chỉ người ta, rồi nói được câu tiếng Anh nào mà họ hiểu được phần nào thì hiểu, chứ còn không biết nói tiếng Tây Ban Nha của họ”.
Trên tinh thần không để ai bỏ lại phía sau, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng đã nhận định diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn rất nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao của nước sở tại cao, điều kiện y tế còn thiếu thốn trong khi đó, công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh cần điều trị kịp thời. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chuyên trách cần phải làm việc khẩn trương và nhanh chóng với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, lập tức đưa người dân trở về nước chữa trị theo đúng nguyện vọng.
Trong điều kiện, việc xin phép bay tới một nơi xa lạ là cả vấn đề nan giải. Chưa kể, cơ sở hạ tầng nước sở tại cũng là rào cản không nhỏ. Vấn đề khiến cơ quan chức năng đau đầu nhất là phương án nạp nhiên liệu tại sân bay nước bạn để bay về. Được biết, sân bay quốc tế Bata của Guinea Xích đạo gần chỗ ở của người lao động Việt Nam, nhưng sân bay này đang gặp khó khăn về tiếp nhiên liệu bay. Trong khi đó, sân bay tại Thủ đô Malabo của nước bạn đảm bảo được việc tiếp nhiên liệu lại nằm trên đảo, xa khu vực người lao động Việt Nam đang ở, việc đi lại không thuận tiện.
Đó là chưa kể đến, đây là chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm cao, với mật độ vi rút có thể lớn. Bên cạnh đó, ngoài 120 bệnh nhân mắc Covid-19, còn 7 người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, 3 người bị sốt rét, 1 người trong đó vừa sốt rét vừa nhiễm Covid-19. Đặc biệt trong số đó, có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. Chính vì thế, việc bố trí máy bay để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bệnh nhân được yêu cầu rất nghiêm ngặt, phi công, tiếp viên cũng được lựa chọn kỹ càng, với nhiều tiêu chí. Và đáng mừng là với tinh thần làm việc nghiêm túc và gấp rút, sau chỉ đạo của Thủ tướng, thì ngày 03/08 sắp tới chuyến bay “lịch sử” đến Guinea Xích Đạo sẽ được cất cánh. Mặc dù, biết rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn chờ đợi ở chuyến bay này, nhưng ít nhất 219 đồng bào ta ở Guinea Xích Đạo đã tạm thời được thở phào nhẹ nhõm sau những ngày mòn mỏi nơi đất khách quê người.
Đáng mừng, là thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều cái thở phào nhẹ nhõm như vậy, khi 55 chuyến bay đón 13.323 công dân Việt Nam khắp thế giới trở về với quê mẹ. Trong bối cảnh, thế giới đã có 14,4 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 604.084 ca tử vong, nhưng Việt Nam vẫn giang tay đón đồng bào mình trở về. Như một bệnh nhân được trở về trong thời điểm tâm bão của dịch bệnh chia sẻ, “Bôn ba bốn biển năm châu để mong làm giàu, chỉ đến khi xảy ra bệnh tật mới thấy trở về được quê hương là điều quý giá”. Mặc dù, đưa đón liên tục đồng bào trở về, thế nhưng với những phương án kiểm soát dịch tốt cùng sự chung tay góp sức của người dân cả nước, hơn 4 tháng qua, Việt Nam không có một ca nhiễm bệnh nào trong cộng đồng. Đây là một thành quả đáng tự hào.
Hơn nữa, qua sự việc ở Guinea Xích Đạo mới thấy được Việt Nam là một quốc gia thân thiện, hiếu khách như thế nào khi đã chữa trị nhiệt tình cho bệnh nhân nước ngoài mà tiêu biểu là bệnh nhân số 91. Sự việc đã được báo chí quốc tế và cộng đồng thế giới đáng giá rất cao. Việt Nam nhỏ bé nổi lên trên bản đồ thế giới với khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid này. Tuy nhiên, rất đáng tiếc hòa trong niềm vui ấy, lại có những kẻ lạc lõng lu loa rằng, Việt Nam chỉ lo chữa trị cho bệnh nhân số 91 mà không quan tâm đến công dân nước mình. Không cần phải giải thích nhiều, bởi những gì đang diễn ra là minh chứng rõ nhất cho sự việc này.
Thu An