Chuyện 4 trẻ em nhỏ ăn cơm nguội với ve sầu
Mới đây,những hình ảnh trẻ em ăn cơm nguội với ve sầu đăng tải trên mạng xã hội đang thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng trong vài ngày qua.
Trước đó, 1 cán bộ đoàn xã Vụ Bổn đã chia sẻ những bức ảnh chụp 4 trẻ em đồng bào Mông lên mạng xã hội kèm nội dung: “Bữa cơm của bạn có gì, còn các em chỉ có cơm nguội và ve sầu thôi ạ! Trong chuyến khảo sát tại làng Mông, thôn 12 để chuẩn bị cho chương trình Trung thu sắp tới, mình vô tình gặp cảnh 4 cháu nhỏ đang nấu ve sầu mới đi bắt về để ăn sáng (chỉ nấu chứ không phải chiên vì không có dầu ăn). Ngày Tết Thiếu nhi mà các cháu không biết là ngày gì, không biết cái bánh, kẹo nó vuông tròn ra sao…”.
Sau khi đăng tải, bài viết nhận được sự quan tâm, nhiều người bày tỏ sự xót xa, thương cảm, kêu gọi giúp đỡ; cũng có người lo lắng về món ăn ve sầu chứa độc tố dễ gây ngộ độc…
Tuy nhiên, theo bà Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, so với thành phố, các em người Mông nơi đây khó khăn hơn, nhưng không đến mức thiếu gạo, thức ăn, phải ăn món ve sầu.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà các cháu vẫn còn gạo. Tháng 4 vừa qua, UBND huyện cùng các Mạnh Thường Quân chuyển 6 tấn gạo và nhu yếu phẩm về xã Vụ Bổn theo chương trình “ATM gạo” hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19.
“Ve sầu là món ăn quen thuộc của đồng bào Mông, nhưng trong côn trùng có chứa chất dễ gây ngộ độc nên chúng tôi khuyên người dân cẩn thận khi ăn. Chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền xã Vụ Bổn cần quan tâm, sâu sát với dân hơn, nhất là đồng bào Mông. Có khó khăn gì, lãnh đạo xã cứ báo cáo lên huyện tìm cách tháo gỡ”, bà Trinh thông tin.
Và theo báo chí đã đưa tin Giàng A Cháy – “nhân vật chính” trong bức ảnh ăn cơm nguội với ve sầu. Theo em Cháy, hôm đó em bắt được rất nhiều ve sầu trên các cây muồng trong làng. Về nhà, em vặt cánh rồi bỏ vào chiên cùng ăn với cơm nguội. Thỉnh thoảng em mới ăn ve sầu. Ve sầu rất ngon!.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Viết Nhượng – Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cũng cho biết: ”Trẻ em ở xã chúng tôi vẫn thường bắt ve sầu, châu chấu, cào cào về ăn với cơm. Đây là phong tục, tập quán của người dân địa phương, không có gì lạ. Chính bản thân tôi cũng đã ăn ve sầu như lũ trẻ. Khu vực kể trên có nhiều đồng bào miền Bắc di cư tự do, họ chủ yếu làm nương rẫy để mưu sinh”.
Mặc dù đây là hình ảnh có thật nhưng lợi dụng bức ảnh trên, nhiều trang mạng đã cắt xén, thêm bớt nội dung với ý đồ xấu.
Nhiều năm qua, các thế lực thù địch đã không ngừng lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhận thức chính trị còn hạn chế để tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tôc thiểu số.
Khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước đã dành một phần rất lớn ngân sách để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho từng gia đình, từng cá nhân người dân tộc thiểu số, từ chăm sóc sức khỏe đến nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường giáo dục – đào tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế… Qua đó đã góp phần tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trọng tâm là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước ta trong công tác dân tộc thật khó có thể đo đếm được, đặc biệt là chỉ với một vài con số. Nhưng nhìn vào mặt bằng dân trí, đời sống tinh thần, kết quả phát triển kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số có thể thấy rõ sự đổi thay từng ngày theo chiều hướng ngày một tốt đẹp hơn. Thế nhưng, với mục tiêu thực hiện bằng được âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch vẫn cố tình phủ nhận những thành tựu ấy
Chính vì thế, mỗi người dân cần cảnh giác trước những thông tin, tránh bị các thông tin xuyên tạc, giả mạo gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc. Nhận diện rõ những thủ đoạn chính của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay là nhằm góp phần ngăn chặn sự phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử xấu chống phá cách mạng Việt Nam, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung.
Quỳnh Quỳnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả