Chuột thí nghiệm khỏe mạnh – triển vọng vaccine Covid-19 ở Việt Nam
Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine Covid-19 và tiêm trên chuột. Tuy nhiên, để sử dụng trên người cần một quá trình dài hơn.
Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH – Bộ Y tế) là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vaccine dự tuyển Covid-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột.
PVđã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH về vấn đề này cũng như triển vọng vaccine ở Việt Nam.
Chuột thí nghiệm khỏe mạnh sau 11 ngày tiêm vaccine
– Quá trình nghiên cứu vaccine Covid-19 của VABIOTECH diễn ra thế nào và những thành công đã đạt được?
– Ngay từ cuối tháng 1 – thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Hán, sau khi có trình tự gen từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, chúng tôi đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine Covid-19. Đối với việc việc phát triển vaccine, có nhiều lựa chọn khác nhau với các công nghệ như vector virus, tổng hợp gene DNA và RNA.
Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh. Bước đầu tiên, phải kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không.
Chúng tôi đã sử dụng động vật, tức chuột để làm mô hình đánh giá đầu tiên, xem chuột có đáp ứng miễn dịch, có sinh kháng thể hay không. Từ đó, mới tiếp tục những bước nghiên cứu tiếp theo.
– Chuột thí nghiệm đã được tiêm vaccine này bao lâu và hiện tại tình trạng của chúng ra sao?
– Hiện nay mới là bước đầu tiên, chúng tôi mới bắt đầu tiêm cho chuột, đến nay là 11 ngày. Đàn chuột khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu.
Dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Giai đoạn đầu tiên có thể sau 14-15 ngày sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2. Chúng cần được theo dõi đáp ứng miễn dịch ở từng thời điểm. Thực ra quá trình này phải theo dõi theo từng ngày, để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn.
– Vậy sau khi có đáp ứng miễn dịch, điều gì sẽ xảy ra? Khi nào mới có thể tiêm trên người?
– Điều đầu tiên chúng tôi mong muốn là kháng nguyên của chủng vaccine của mình hoạt động tốt, tức có đáp ứng miễn dịch, sau đó, sẽ xây dựng các bước như quy trình sản xuất. Quy trình sản xuất rất quan trọng, làm thế nào để sản xuất ổn định được các kháng nguyên này ở các quy mô khác nhau.
Thứ 2 là sản xuất ra một vaccine dự tuyển thực sự để có thể đánh giá sâu hơn trên động vật không chỉ đáp ứng miễn dịch mà cả khả năng bảo vệ trước những virus xâm nhập. Và cuối cùng là việc chuẩn bị các hồ sơ để đánh giá trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.
Công nghệ mới chưa từng có ở Việt Nam
– Ông có thể chia sẻ những khó khăn đã đối mặt trong quá trình nghiên cứu vaccine này?
– Thực ra, nghiên cứu này của chúng tôi tiếp nhận một công nghệ hoàn toàn mới, chưa từng có ở Việt Nam. Đối với vaccine Covid-19 cũng như các đại dịch khác, các nhà khoa học trên thế giới cũng tìm công nghệ mới chứ không phải công nghệ sẵn có. Đồng thời, trong quá trình hợp tác với Đại học Bristol, thời điểm các chuyên gia của chúng tôi sang thì dịch ở Anh chưa bùng phát, sau đó, lại bùng phát rất nhanh, Anh là nước chịu ảnh hưởng khá nặng.
Các chuyên gia của chúng tôi rất nhanh phải về nước, chỉ kịp có được chủng vaccine rồi về ngay, không có đủ thời gian để tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu ở bên đó. Hiện nay, hai bên chủ yếu trao đổi trực tuyến với nhau nên hạn chế trong tiếp cận và đánh giá sâu hơn về vaccine.
– 80 quốc gia trên thế giới đang tập trung nghiên cứu vaccine Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người. Việt Nam đang ở vị trí nào trong chặng đua này?
– Khi một nhà phát minh đi trước, họ sẽ là tiền đề để mình biết, rút kinh nghiệm cho các sản phẩm của mình. Chúng tôi đi sau nhưng không quá chậm. Thời điểm này, ngoài 8 nhà sản xuất đi đến mức độ thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu còn lại đều phải đi qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật.
Kể cả 8 nơi đang thử nghiệm lâm sàng cũng phải làm song song thử nghiệm cả trên động vật lẫn người, không có nghĩa họ bỏ qua giai đoạn nào. Khi đánh giá trên động vật cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi trước khi đưa sang người.
Đó là vấn đề mình cần rút kinh nghiệm rất nhiều. Mô hình ở người là cuối cùng nhưng khó để đánh giá, những số liệu trên động vật hiện tại sẽ giúp ích cho chúng ta.
– Còn ở Việt Nam, đã có đơn vị nào bước vào giai đoạn tiêm thử nghiệm trên động vật chưa?
– Hiện nay, Bộ Khoa học Công nghệ cũng có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu vaccine, tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 là đơn vị đầu tiên thử trên chuột. Thực ra đây là tiền đề, nhà phát minh nào cũng phải làm bước này để đánh giá kháng nguyên mình cài đặt có đáp ứng trên động vật hay không trước khi mình bắt tay vào làm vaccine thực sự.
– Với những thành công bước đầu, dự kiến đến thời điểm nào vaccine Covid-19 “made in Việt Nam” sẽ ra đời?
– Thật sự khó để trả lời vì sản xuất khác hẳn nghiên cứu. Sản xuất đòi hỏi cả quá trình. Trước khi sản xuất để tiêm sang người, vaccine đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài việc mình có một ứng cử viên tốt cho vaccine, sản xuất được vaccine đó hay không cũng là một câu hỏi lớn cho chúng tôi.
Với kinh nghiệm chúng tôi có thì nhanh nhất cũng phải 8-9 tháng nữa mới có được ứng viên vaccine để thành một vaccine hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước rồi sau đó mới sang người. Chúng tôi cũng mong muốn rút ngắn được thời gian này và đang nỗ lực vì điều đó.
Hà Quyên/ZNS