‘Chúng tôi không thể đi đếm đầu người khi thẩm tra báo cáo dân số’
Giải thích việc để “lọt” số liệu về ô nhiễm môi trường Hà Nội từ năm 2005 trong báo cáo năm 2019 gửi Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, khi thẩm tra thì trước hết phải tin tưởng cơ quan báo cáo.
Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 8 của Quốc hội chiều 18.10, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan tới việc Bộ Tư pháp ký báo cáo về tổng kết luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật thẩm tra và gửi tới đại biểu Quốc hội nhưng phần số liệu môi trường lại sử dụng số liệu từ năm 2005.
Chúng tôi phải tin tưởng vào báo cáo
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho hay theo quy định của luật Thủ đô thì cứ 3 năm 1 lần, Chính phủ báo cáo tới Quốc hội việc thi hành luật Thủ đô, và đây là lần thứ 2, Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Ông Giang thông tin, báo cáo này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 36 vào tháng 7.
“Báo cáo của Chính phủ mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà là báo cáo từ tháng 7 trình tại kỳ họp 36”, ông Giang thông tin.
Đề cập trực tiếp việc sử dụng số liệu cũ cách đây 14 năm, ông Giang nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, cơ quan nào báo cáo thì cơ thì cơ quan đó chịu trách nhiệm về số liệu và thông tin trong báo cáo. Thông qua báo cáo đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí sẽ giám sát tính trung thực của báo cáo”.
Chưa đồng tình với phần trả lời này, phóng viên tiếp tục cho rằng, việc Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, nhưng sử dụng số liệu từ 14 năm trước mà vẫn khẳng định số liệu gần đây nhất có thể khiến dư luận, cử tri mất niềm tin vào các báo cáo gửi tới Quốc hội.
“Nếu như đây là số liệu trong các báo cáo sử dụng cho việc quyết định những vấn đề hệ trọng hơn của đất nước thì vấn đề sẽ ra sao?”, phóng viên Thanh Niên nêu.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, việc thẩm tra của Ủy ban Pháp luật có nhiều nội dung chứ không chỉ có số liệu, và việc đưa báo cáo ra Quốc hội, tới các đại biểu Quốc hội là để đảm bảo tính công khai, để các cử tri giám sát.
Cũng theo ông Giang, khi các cơ quan gửi báo cáo thì trước hết là phải tin tưởng báo cáo đó. “Chẳng hạn như báo cáo về dân số thì làm sao cơ quan thẩm tra đếm số liệu từng đầu người một xem số liệu có đúng hay không được? Còn khi báo cáo ra trước Quốc hội thì cử tri, các cơ quan báo chí có quyền giám sát”, ông Giang tiếp tục dẫn giải, và khẳng định nếu có số liệu sai sót, cơ quan báo cáo sẽ phải giải trình.
Báo cáo chính thức vẫn chưa được gửi tới Quốc hội
Tham gia trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi các cơ quan Chính phủ gửi báo cáo sang thì các cơ quan Quốc hội sẽ kiểm tra các thông tin, nếu không đảm bảo thì trả lại.
“Đó là điều đương nhiên và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về các báo cáo”, ông Phúc nói, đồng thời cho biết hiện nay báo cáo chính thức vẫn chưa được chuyển tới Quốc hội.
Tuy nhiên, phóng tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm đối với việc này vì phóng viên tiếp cận các báo cáo này khi đã được gửi chính thức tới các đại biểu Quốc hội.
“Đã có nhiều trường hợp báo cáo cũ, chép lại một cách cẩu thả từng được báo chí phản ánh nhiều lần. Vậy trách nhiệm của những người ký báo cáo như thế nào để tránh việc lặp lại chuyện này?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trên hệ thống tài liệu chính thức gửi tới đại biểu thì chưa có báo cáo này. Việc đại biểu tiếp cận báo cáo có thể là tài liệu trên hệ thống nội bộ cơ quan, không hiểu vì sao lại lọt ra được?!.
“Nếu báo cáo có số liệu chưa chính xác, đại biểu cũng có trách nhiệm chỉ ra những chỗ chưa chính xác đó”, ông Phúc nói.
Lê Hiệp