“Chúng ta nên chủ động lựa chọn thay vì ngồi đợi các khoản đầu tư đến Việt Nam”
“Chúng ta sẽ chủ động lựa chọn các dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi các khoản đầu tư đến Việt Nam”, ông Don Lam chia sẻ.
Như đề cập phần trước , nhóm chuyên gia kinh tế của VinaCapital đã đưa ra những phân tích về lợi thế của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI sau dịch Covid-19, như nguồn lao động, chất lượng lao động, lợi thế địa hình, và sự chú ý của thế giới đối với những thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Làm thế nào để những lợi thế này trở thành những yếu tố quyết định cho doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam? Những đề xuất nào cho Chính phủ để tận dụng những lợi thế trên trong việc thu hút thêm vốn FDI trong tương lai?
Xin giới thiệu góc nhìn của ông Don Lam, Tổng Giám đốc đồng thời là Đồng Sáng lập Tập đoàn VinaCapital về những vấn đề trên.
Chúng tôi thấy có rất nhiều yếu tố mà Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện để khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa trong việc thu hút thêm nguồn vốn FDI. Một trong số đó là đẩy nhanh tiến độ phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng, do chi phí hậu cần của Việt Nam vẫn luôn nằm trong top cao nhất trong khu vực.
Xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải quyết bài toán nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm. Phát triển các tuyến đường vành đai hợp lý xung quanh TP.HCM và Hà Nội, giúp làm thông thoáng các khu vực trung tâm và kết nối tốt hơn các khu vực đang phát triển ở vùng ven các TP này là chìa khóa để giảm bớt tắc nghẽn giao thông.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch, Chính phủ Việt Nam đang giải ngân để đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án này cùng những giải pháp khác sẽ hỗ trợ Việt Nam thăng hạng trong chỉ số năng lực quốc gia về kho vận của Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện Việt Nam đang xếp thứ 45.
Thuận lợi trong các hoạt động kinh doanh là một yếu tố mà Chính phủ có thể thực hiện các cải thiện nhanh chóng. Trong một nghiên cứu mới đây của WB về tính thuận lợi cho kinh doanh, Việt Nam xếp hạng thứ 70, đứng trên Indonesia và Philippines nhưng xếp sau Malaysia và Thái Lan.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn cần rất nhiều việc phải làm. Trước mắt nên tập trung việc cải thiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế.
Gần đây tôi được mời tham gia vào một tổ chức được dự kiến thành lập để chuyên thúc đẩy thu hút vốn FDI với mục tiêu đẩy nhanh quy trình cấp phép đầu tư cho những dự án mới nhằm mục đích thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào Việt Nam, góp phần tạo nên khối lượng lớn công việc tốt cho người lao động trong nước. Nhóm này sẽ phối hợp chặt chẽ với một nhóm chuyên trách của Chính phủ về vốn FDI gồm nhiều bộ ngành khác nhau do Phó Thủ tướng phụ trách, để đưa ra các khuyến nghị cần thiết để thu hút nguồn vốn mới.
Đó là một số hoạt động mà Chính phủ đang thực hiện và sẽ mang lại những cải thiện rõ nét trong tương lai gần.
Về lâu dài, Chính phủ có thể cân nhắc một số đề xuất để giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các NĐTNN.
Cụ thể là nên có một cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách việc chủ động và linh hoạt quảng bá Việt Nam như là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới. Chúng ta sẽ chủ động lựa chọn các dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi các khoản đầu tư đến Việt Nam.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn của việc sản xuất ở tầm cao hơn.
Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển và nâng cấp các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao để phục vụ sản xuất các sản phẩm phức tạp hay cung cấp cac dịch vụ kỹ thuật cao. Chiến lược này đã rất thành công ở Trung Quốc.
Cuối cùng, Chính phủ có thể cân nhắc xúc tiến việc hình thành các cụm công nghiệp xung quanh các khu vực tiềm năng. Chiến lược cụm công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa vốn FDI vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để định vị sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó.
Chính phủ có thể tiếp tục đàm phán và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam gần đây đã được phê chuẩn, sẽ hỗ trợ cho việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, tăng cường luật sở hữu trí tuệ và củng cố thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Việt Nam hiện là quốc gia tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do nhất so với các quốc gia khác trên thế giới. Hiện Việt Nam vẫn đang đàm phán để tham gia vào một số hiệp định thương mại tư do thêm nữa. Những thỏa thuận này là minh chứng rõ nhất thể hiện mong muốn hội nhập về mặt kinh tế của Việt Nam với thế giới.
Cuối cùng là vấn đề thuế, thông thường các quốc gia thường áp dụng nhiều ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư. Dĩ nhiên là ai cũng thích được giảm thuế. Nhưng thực tế là những ưu đã thuế quá lớn không phải là điều cần thiết để Việt Nam tiếp tục đạt được thành công trong việc thu hút thêm vốn FDI. Nguồn thu từ thuế có thể được sử dụng để phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Như đề cập, các công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc dịch chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Họ nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng. Trong đó có một số công ty được dự đoán sẽ dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, một quốc gia với chi phí lao động thấp hơn, vị trí địa lý gần với các nguồn cung ứng châu Á và không bị kéo vào cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung.
Sự dịch chuyển này hoàn toàn có thể được dự báo trước. Nhưng để thực sự mở rộng chuỗi cung ứng của mình, các công ty này cần đảm bảo họ có thể tìm được nguồn cung ứng tiềm năng từ một loạt các nhà cung ứng khác nhau, và điều này sẽ có lợi cho Việt Nam. Trước đó, các nhà sản xuất chỉ đặt văn phòng đại diện/công ty ở Việt Nam trong khi phần lớn đều nhập khẩu linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc.
Chúng tôi hy vọng những công ty này sẽ sớm có kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Và điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho ngành công nghiệp trong nước.
Một công ty đa quốc gia lớn có thể giúp ích như thế nào cho doanh nghiệp trong nước? Câu trả lời là sẽ có ảnh hưởng đáng kể và rộng khắp.
Đầu tiên, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn ra một số doanh nghiệp trong nước để làm nhà cung cấp tiềm năng của họ. Sau khi xác nhận doanh nghiệp này có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra, họ có thể trở thành đối tác chiến lược hoặc cho doanh nghiệp trong nước vay vốn để phát triển kinh doanh.
Các công ty đa quốc gia sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động ở các công ty trong nước theo các thông lệ quốc tế như hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM), lập kế hoạch tài chính và các lĩnh vực khác liên quan đến tối ưu hóa sản xuất…
Họ cũng sẽ thuê các công ty tư vấn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước vận hành hiệu quả hơn và nâng cao công tác lập kế hoạch phát triển kinh doanh. Các công ty đa quốc gia có thể tạm thời chỉ định thành viên ban điều hành của họ tới làm việc cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là một vài giải pháp mà các công ty nước ngoài có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Khi doanh nghiệp nước ngoài phát triển được chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ được cùng hưởng lợi. Đầu tiền là việc chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm.
Nghiên cứu của Viện Brookings chỉ ra rằng, “công nghệ sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và thực tiễn làm việc sẽ được chuyển giao từ các công ty FDI sang các công ty trong nước”, nâng cao hiệu suất của lực lượng sản xuất địa phương. Đổi lại, các doanh nghiệp địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để giành được những cơ hội hợp tác tiềm năng với khối doanh nghiệp FDI.
Những hình thức phát triển này đã sớm được hình thành, cả ở Trung Quốc và các quốc gia khác, từ những năm đầu thế kỷ 20.
Xét về góc độ giữa các công ty với nhau, sẽ tồn tại mối liên kết phía sau giữa công ty đa quốc gia và nhà cung cấp trong nước, mối liên kết phía trước giữa các nhà cung cấp địa phương và hiệu ứng lan tỏa theo chiều ngang giữa các công ty với nhau.
Nhưng yếu tố tiên quyết khiến cho hiệu ứng lan tỏa đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp địa phương chính là con người. Người lao động trong nước làm việc tại các công ty nước ngoài và tích lũy nhiều kinh nghiệm có thể rời khỏi công ty sau khoảng 5 năm làm việc để mở công ty riêng và trở thành đối tác cung cấp của công ty nước ngoài mà họ từng làm việc hoặc đối thủ của các công ty này.
Nếu không thành lập công ty riêng, họ sẽ mang kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn của mình chuyển qua làm việc cho các công ty trong nước với mức lương tốt hơn và được ưu đãi hơn.
Đây cũng là thực tế đã xảy ra ở Trung Quốc giai đoạn trước đây và chúng tôi tin là điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam ở một cấp độ nhất định.
Họ có thể tham khảo cách thức mà Singapore đã thực hiện hơn 30 năm trước. Trước đó, Singapore đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực sản xuất. Các công ty đa quốc gia đang tìm cách đầu tư vào Singapore đã phát hiển ra rằng, 90% các nhà cung cấp địa phương không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của họ, trong khi 80% không thể giao hàng như dự kiến.
Để giải quyết vấn đề này cũng như những tình huống phát sinh, Chính phủ Singapore đã thành lập một chương trình nâng cấp công nghiệp quôc gia. Theo đó Chính phủ và các công ty nước ngoài ngồi lại với nhau cùng tìm cách tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó đã có nhiều chương trình hợp tác được thực hiện, giúp tăng hiệu suất của nhà cung ứng lên 17% và giá trị gia tăng trên đầu công việc tăng 14%.
Trước đó, Ireland cũng triển khai một chương trình tương tự vào cuối những năm 80 đầu 90, giúp tăng hiệu suất lên tới 36% và doanh thu tăng vọt tới 83%.
Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự, với những chiến lược được thiết kế phù hợp với môi trường và tình hình của Việt Nam.
Tóm lại, dịch bệnh bùng phát là nguyên nhân đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Dịch bệnh giúp các công ty đa quốc gia nhận ra sự phục thuộc quá mức của mình vào Trung Quốc hoặc là một quốc gia nhất định. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ cân nhắc tới Việt nam. Nguồn vốn đầu tư mới từ những doanh nghiệp này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển kinh tế của quốc gia trong tương lai. Chính phủ có thể tận dụng thành tựu đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh để quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn cho đầu tư.