+
Aa
-
like
comment

“Chúng ta làm hết sức vì sức khoẻ, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”. – Đó là nghĩa đồng bào

Phạm Minh Hà - 19/03/2020 17:57

“Người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19), sáng 18/3.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, nhanh hơn nhiều dự kiến của các chuyên gia thế giới, Phó Thủ tướng khẳng định những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. Chúng ta tiếp tục kiên định, kiên quyết thực hiện nhưng bây giờ nguồn lực phân công, tốc độ thực hiện vô cùng quan trọng để làm tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19), sáng 18/3.

“Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của Nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng nói.

Nhiều ngày nay, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19 làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Vì vậy, dù có những bất tiện như thủ tục sân bay và điều kiện nơi cách ly, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành quy định, hợp tác, chia sẻ. Sự hợp tác chia sẻ của những người được cách ly và cả cộng đồng chính là sự động viên quý báu nhất cho tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết. Việt Nam phòng chống dịch tốt cũng góp phần cùng thế giới phòng chống dịch.

Thực tế, vì nghĩa đồng bào mà trong những ngày qua, các lực lượng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.
Từ khi bệnh nhân số 17 xuất hiện cho đến nay, khoảng hơn 50 bệnh nhân nữa được phát hiện. Và để tìm ra hơn 50 bệnh nhân này, chúng ta phải huy động nguồn lực để khoanh vùng và cách ly cho cả ngàn người. Phần lớn những người này đều từ các nước châu u trở về hoặc có tiếp xúc với người nhiễm từ châu u.

Vì nghĩa đồng bào mà Phó thủ tướng nhắc tới, mà chúng ta làm việc không quản ngày đêm, hình ảnh những người chở đoàn cách ly từ sân bay về khu vực cách ly phải ăn bữa cơm vội tại hầm xe; những người thức trắng với bệnh nhân, những buổi họp giữa đêm khuya để bàn về công tác phòng dịch,…

Việt Nam tuy còn nghèo, nguồn lực không nhiều, nhưng vì “nghĩa đồng bào” chúng ta đã cảnh giác ngay từ đầu thời điểm dịch. Chúng ta không sợ mất mát lớn về kinh tế để đương đầu với chiến dịch này từ sớm, đó là một sự đánh đổi không hề dễ để đưa ra khi các con số ở tương lai vẫn chưa rõ ràng. Nhưng quyết định đó tính đến thời điểm này vẫn được xem là hoàn toàn chính xác.
Hơn lúc nào hết, tinh thần “hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng”, được chính phủ Việt Nam đặt ra như lực hút nam châm để đội ngũ y bác sĩ, cán bộ dịch tễ, làm việc trong công tác phòng chống dịch như công an, quân đội thực hiện một cách nghiêm túc, quân lệnh như sơn.

Không phải thời điểm này công tác phòng dịch mới mang tích chất “nghĩa đồng bào”, mà từ thời điểm mới xảy ra dịch nCoV, đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết có 302 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại thành phố Vũ Hán. Trong đó, 281 người đã về Việt Nam đón Tết, còn lại 21 người ở trung tâm dịch bệnh cùng 3 người nhà. 19 người trong số này có nguyện vọng về nước.

Ngay sau đó, Chính phủ đã lên phương án đón công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Theo đó, việc cách ly được bảo đảm các điều kiện ăn ở, ngủ nghỉ và tiếp cận thông tin thời sự.

Chuyến bay đi vào vùng dịch Vũ Hán để đưa công dân về nước được cộng đồng ủng hộ

Rồi tiếp đến, khi Nhật Bản và Hàn Quốc công bố tình trạng dịch bùng phát và tăng nhanh. Hàn Quốc và Nhật Bản là quốc gia có đông du học sinh, công dân Việt Nam sinh sống và làm việc. Chính phủ đã đề nghị Bộ Ngoại giao thống kê về số lượng, chủ động và khẩn trương thực hiện các công tác bảo hộ công dân tại nước sở tại, hỗ trợ các trường hợp muốn trở về nước cách ly, phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hỗ trợ về mặt y tế, thuốc men, cũng như động viên tinh thần để những đồng bào xa quê vượt qua giai đoạn khó khăn là thực sự cần thiết.

Cái tính “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hiện hữu từ trong văn hoá của người Việt từ ngàn đời xưa, không phải đến thời điểm này chúng ta mới thấy. Cái chúng ta thấy rõ là sự đùm bọc và phát huy trong thời dịch bệnh.

Cách đây đúng 30 năm về trước, khi Iraq ra lệnh cho khoảng 100.000 lính cùng 300 xe tăng và 300 khẩu pháo hạng nặng chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống chiến đấu với Kuwait, quốc gia láng giềng nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên dầu mỏ.

Ở thời điểm đó, hàng chục ngàn lao động Việt Nam ở khu vực này rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng. Trong cái thời đại mà thông tin liên lạc gần như không có, đát nước vô cùng khó khăn. Nhưng chúng ta đã không bỏ một ai ở lại phía sau, chính phủ Việt Nam lúc đó đã triển khai thành công cho hơn 17.000 lao động Việt Nam tại Iraq về nước.

Đến tháng 2/2011, nội chiến nổ ra ở Libya. Đến ngày 24/2 thì Lybia bắt đầu mất kiểm soát. Ngay trong ngày, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng ban thường trực lúc đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó trưởng ban thường trực, trực tiếp chỉ đạo công tác bảo hộ công dân.

Ngày hôm sau, 25/2/2011, 2.000 lao động Việt Nam được sơ tán sang các nước láng giềng của Libya và Cục QLLĐNN đề nghị Tổ chức di dân quốc tế (IOM) hỗ trợ, giúp đỡ lao động Việt Nam di tản khỏi Libya và trở về nước.

Chỉ trong 1 tuần, Việt Nam đã thực hiện bảo hộ công dân trở về nước, công cuộc bảo hộ thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng và an toàn trước sự khen ngợi của Liên Hiệp Quốc.

Và trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, những giải pháp kịp thời hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế sự chung tay của cộng đồng đã và đang lan toả thông điệp tình người: “Chúng ta làm hết sức vì sức khoẻ, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”. – Đó là nghĩa đồng bào

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều