+
Aa
-
like
comment

Chúng ta đang trả giá đắt cho các dự án thủy điện bừa bãi!

13/08/2019 16:31

Mới đây, sự cố van xả lũ thủy điện Đắk Kar (H.Đắk R’lấp, Đắk Nông) có dung tích 13 triệu m3 nước nhưng bị kẹt van xả lũ dẫn tới nguy cơ vỡ đập đang để lại những nghi ngại nhất định cho nhân dân vùng hạ du, cũng như giới chuyên gia. Đồng thời cũng cho thấy vấn đề an toàn đập cần phải được nhắc tới, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Sự cố van xả lũ thủy điện Đắk Kar được khắc phục, nhưng vùng hạ du đã “lĩnh trọn” hậu quả của nó

Lỗi kỹ thuật vận hành hồ chứa

Thủy điện đang có vai trò quan trọng trong mạng lưới điện của Việt Nam. Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.371 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000MW. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc.

Tuy nhiên sự hiện diện rất dày các công trình thủy điện lớn nhỏ ở khắp các hệ thống sông suối của Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung hiện nay cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, các công trình thủy điện cũng gây nên những tác động tiêu cực to lớn đối với môi trường, xã hội.

Liên quan đến sự cố kẹt van xả lũ thủy điện Đắk Kar, ông Lê Viết Thuận – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương chưa từng gặp van xả lũ của thủy điện không thể đóng – mở như đang xảy ra tại thủy điện Đắk Kar bao giờ. Đến thời điểm này kéo bằng các loại tời mà van xả tràn không lên thì tôi cũng hiểu vì lý do gì. Nguyên nhân được ông lý giải là do chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar đã không chuẩn bị phương án xả lũ, cánh xả tràn chưa vận hành thử và hiện tại vẫn chưa vận hành được.

Trong khi thiết kế thủy điện về mặt nguyên tắc thì van xả lũ phải đảm bảo an toàn, hoạt động trơn tru trong mọi điều kiện khi có sự cố xảy ra. Cần phải xem xét lại khâu bảo trì, vận hành của công trình .

“Có những van xả lũ ở thủy điện không được bảo trì, vận hành thường xuyên. Có khi cả năm hoặc vài ba năm không xảy ra tình trạng nguy cơ vỡ đập nhưng bất chợt chỉ trong một thời gian ngắn nguy cơ vỡ đập liên tục xảy ra, đến khi mở van xả lũ lại không thể mở được. Điều này một là đến từ khâu bảo trì, vận hành không được thực hiện theo đúng kỹ thuật” – PGS.TS Triệu Ánh Ngọc Trưởng ban KHCN và Hợp tác Quốc tế, Đại học Thủy lợi nói.

Nhân cơ sự này, thời gian gần đây, nhiều thủy điện hoạt động có những điểm bất thường dẫn đến hệ quả mà người dân xung quanh phải gánh chịu.

Sáng 9/8 Công ty Cổ phần VRG Đắk Nông có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo về việc xả lũ khẩn cấp, sự cố vận hành điều tiết chống lũ, vỡ đập thủy điện Đắk Sin 1 (Đắk R’lấp). Báo cáo nêu rõ, nguyên nhân là do mưa lớn, lượng nước về nhiều gây vỡ đường ống áp lực làm hư hỏng tuyến năng lượng. Nhà máy phải ngừng phát điện, xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập.

Vào cuối tháng 6/2019, thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa, Lào Cai) xả lũ đột ngột gây lên lũ lớn trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, việc kiểm tra cho thấy, quá trình vận hành, hoạt động của Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long chưa tuân thủ hoàn toàn quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt cũng như phương án phòng chống lũ lụt ở vùng hạ du đập đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt.

Khi nhận được thông tin lưu lượng nước dâng lên cao, nhà máy đã tiến hành xả toàn bộ chứ không phải lần lượt các van xả tràn, dẫn đến lượng nước xả ra rất lớn. Kết quả thống kê thiệt hại ban đầu do mưa lũ tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa vào rạng sáng ngày 24/6/2019 là hơn 8,7 tỷ đồng..v..v.

Như vậy, chính việc thiếu trách nhiệm trong bảo dưỡng, duy tu những hạng mục liên quan đến an toàn đập, cùng với xả lũ “vượt quy trình” thật sự đang khiến người dân vùng hạ du thấp thỏm không yên mỗi khi mưa bão về.

Cái giá phải trả cho mỗi lỗi vận hành quá đắt

Một trong những nguyên nhân gây nên những trận lũ lịch sử là việc các hồ đập thủy điện, thủy lợi xả tràn đồng loạt. Cứu đập, cứu hồ và cái giá là người dân trắng tay. Như vậy, trong khi vai trò của thủy điện được xem là điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du thì hàng loạt thủy điện, đặc biệt là ở miền Trung – Tây Nguyên đang làm điều ngược lại.

Thực tế, các thủy điện đa phần chưa bao giờ thực hiện đầy đủ nghiêm ngặt các quy định của hồ chứa. Công tác kiểm tra đánh giá trước an toàn chưa thực hiện tốt. Nhà máy chưa chấp hành triệt để quy trình vận hành hồ chứa. Khi xả lũ trong tình huống khẩn cấp thì không chịu báo cáo lên chủ tịch tỉnh, huyện…

Xin nhắc lại, trước nguy cơ vỡ đập hồ thủy điện Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông và UBND huyện Bù Đăng – tỉnh Bình Phước đã triển khai các phương án tiếp tục di dời 4.000 người dân.

Sự cố thủy điện Đắk Kar kết hợp với thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ cũng khiến cho nhiều hộ dân ở Đồng Nai bỗng lâm cảnh trắng tay. Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, lũ dâng trong những ngày qua đã gây ngập 1.590 ha đất nông nghiệp và hàng ngàn căn nhà, cuốn trôi 99 dèo nuôi cá; hơn 110.000 con gà bị chết. Bên cạnh những thiệt hại của thì thiệt hại về người cũng đã có.

Còn nhớ, năm 2016 có thể được xem là thời điểm chứng kiến việc người dân chạy lũ thủy điện với con số thiệt hại về người và vật chất. Chỉ hai tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung liên tiếp gánh 5 đợt mưa lũ lớn khiến 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 42.800ha lúa, 39.000ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng. Bình Định là một trong địa phương chịu hậu quả nặng nề của những đợt mưa lũ, toàn bộ hệ thống giao thông ngập trong nước, 14 hồ chứa chảy qua thân đập dẫn đến nguy cơ vỡ đập. Sau 5 đợt mưa lũ, cơ sở hạ tầng của Bình Định đã quay lại “10 năm về trước” .

Mặt khác, theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 – 30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 – 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn. Tức là, chúng ta đang mất đi khá nhiều diện tích đất rừng cho mỗi dự án năng lượng này.

Dẫu sao đi nữa, có thể khẳng định, thủy điện không phải là nguyên nhân gây lũ lụt, mà là do quy hoạch sai, vận hành sai các công trình thủy điện mới là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt. Để rồi từ những hậu quả của nó khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu chúng ta có phải trả giá quá đắt cho các dự án thủy điện?

Tieu Diem

Bài mới
Đọc nhiều