+
Aa
-
like
comment

Chúng ta đang bước vào “thời chiến”!

Đặng Trường - 21/07/2021 11:31

Có lẽ, những ai yêu thích các tác phẩm của nhà văn Nam Cao hẳn sẽ còn nhớ “Một bữa no” kể về một bà cụ nghèo khổ được thết đãi một bữa ăn. Vì qúa đói nên bà ấy ăn lấy ăn để, đó là bữa cơm no nhất nhưng cũng chính là bữa cơm cuối cùng của đời bà. Ngẫm lại câu chuyện ăn uống mùa dịch, cũng có người bán sống bán chết lao ra đường chỉ để mua cho bằng được cọng hành, củ sả hay đơn giản là một ổ bánh mì nhưng họ không nghĩ tới việc chẳng may mắc phải Covid-19 thì đó có thể là bữa ăn cuối cùng của cuộc đời họ.

Đội ngũ y bác sỹ TPHCM tập trung cao độ bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Với tốc độ lây nhiễm nhanh, số lượng ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam vẫn còn cao thì không còn cách nào khác, người dân miền Nam cần phải đặt mình vào “thời chiến”, chống dịch như chống giặc, một mất một còn. Hầu như tất cả lực lượng tuyến đầu đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh, triển khai nhanh, tập trung cao độ, bảo đảm ứng phó với mọi tình huống. Họ gần như phải tạm gác lại hết tất cả những nỗi niềm, hạnh phúc cá nhân để cùng đồng đội của mình lao vào cuộc chiến chống giặc Covid-19. Có người gần như thức trắng nguyên đêm, có người quên cả ăn uống, thói quen hằng ngày, tất cả đều hy sinh một phần quyền lợi của mình để cùng sát cánh với người dân. Cuộc chiến càng cam go thì ý chí, quyết tâm và sự hy sinh của họ càng lớn.

Các trạm chốt dịch làm việc không quản nắng mưa.

Còn chúng ta? Những người đang được họ chăm sóc và bảo vệ đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến hay chưa? Đã là “thời chiến” thì khó khăn lắm! Ai đó ra đường có việc cũng cần tuân thủ quy định chống dịch, giấy tờ đầy đủ, sẵn sàng trong tâm thế bị kiểm tra bất cứ lúc nào. Đi cửa hàng, siêu thị mua đồ ăn phải xếp hàng dài, giãn cách và chờ đợi tới lượt, đôi khi còn không mua được thứ mình cần. Bình thường chạy bộ, chơi thể thao, tập gym, nhảy múa đều đặn, nay như kiểu bế quan tỏa cảng. Ai cũng nhận ra cuộc sống bình thường của mình ít nhiều bị xáo trộn. Nhưng chúng ta đang giãn cách, đang ở “thời chiến” thì mỗi người cần ý thức được việc từ bỏ một số thói quen thường nhật, từ bỏ những bữa cơm đủ đầy các món và gia vị. Thay vì ngày thường 4-5 món thì ngày dịch có thể giảm bớt còn 2-3 món. Thay vì phải có bằng được hành ngò, chanh sả thì có thể “nhịn” đi vài ngày. Thay vì phải ăn bằng được bánh mì buổi sáng thì chúng ta có thể ăn cơm, miễn sao không để bụng đói là được rồi. Thay vì chạy bộ công viên thì có thể tập thể dục, thư giãn ngay tại nhà có sao đâu.

Nhiều người dân vẫn xếp hàng dài chờ tới lượt vào siêu thị mua thực phẩm.

Chống dịch “thời chiến” cần lắm sự thích nghi và thay đổi phù hợp với hoàn cảnh. Đây là lúc cần nhất sự đồng lòng, ý chí khắc phục nghịch cảnh để chiến thắng giặc Covid-19. Sự cứng nhắc hay sự cầu toàn những bữa ăn đủ đầy như chưa có dịch chỉ làm khổ mình hơn. Thật ra, một bữa ăn “thời chiến” không chết nhưng mắc phải Covid-19 thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao. Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay. Thế nên, mong mỗi người trong chúng ta sẽ suy nghĩ thấu đáo để cùng nhau bước qua đại dịch nguy hiểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói về sự bất tiện sẽ có khi TPHCM và các tỉnh phía Nam phải phong tỏa, giãn cách trên diện rộng. Nhưng từ tận đáy lòng, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ, cảm thông nếu phải áp dụng các biện pháp trên để xử lý triệt để sự lây lan. Chúng ta không thể sống trong cảnh dịch bệnh này mãi được. Nhưng tại thời điểm này, ở nhà còn quý hơn ở bệnh viện, đeo khẩu trang còn tốt hơn là đeo máy thở. Mỗi người hãy hy sinh một chút, cùng chung tay góp sức, giúp đất nước chiến thắng giặc Covid-19 sớm hơn.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều