Chúng ta đang bài Trung Quốc hay bài Việt Nam đây?
Người Trung Quốc có người độc ác không? Chắc chắn là có. Nhưng bất cứ ở nơi nào, cũng có người này người kia, có những người Trung Quốc độc ác nhưng chắc chắn sẽ có những người Trung Quốc tốt tính. Bản thân chúng ta có dám khẳng định dân tộc ta chỉ toàn những người tốt hay không? Mình nghĩ chắc chắn là không.
Người Trung Quốc chắc hẳn đôi khi phải khóc dở mếu dở vì tự dưng bị chụp mũ không đâu. Cái gì xấu xa đến đâu cũng luôn có tâm lý cộp nhãn mác “hàng Tàu” hoặc “từ Tàu” mà thực ra toàn là dân Việt hại dân Việt, vì lợi nhuận và đồng tiền mà sẵn sàng hại nhau. Người Trung Quốc nào đem hàng đểu đến bắt dân Việt mua đâu? Người Trung Quốc nào thu mua giun đất hay toàn là chiêu trò của người Việt hại nhau? Rồi thậm chí còn đổ vạ cho người Trung Quốc bắt cóc trẻ con và lấy nội tạng. Mình không bênh người Trung Quốc vì sợ các bạn nói là bưng bô họ lắm, nhưng hình như toàn người Việt bị bắt vì tội buôn người thôi mà nhỉ?
Đến dầu ăn đểu, cũng do Trung Quốc, đến tương ớt đểu, cũng do Trung Quốc mà thực ra qua điều tra của các cơ quan thì toàn là gian thương Việt, xăng đầu đểu cũng do người Việt tự pha chế, chứ làm gì có người Trung Quốc nào? Chắc hẳn nhiều người sẽ nói rằng có một thuyết âm mưu nào đó và người Việt chịu tội thay, thực ra thì mình cũng không nói được gì luôn gì về thuyết âm mưu này, đã là thuyết âm mưu, có thể đúng, có thể sai, nhưng cái cần vẫn là bằng chứng thì họ, phe bài Trung Quốc lại không tung ra được.
Đặt giả sử: Nếu biết Trung Quốc đểu như vậy, tại sao người Việt vẫn nhắm mắt tiếp tay cho các hành động đó?
Mới đây, mình đọc được bài viết của một anh võ sư, một anh luật sư cãi toàn thua và một vài thanh niên dân chủ kiểu nửa vời. Họ kêu gào cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, yêu cầu đóng biên với Trung Quốc, và rồi người thiệt hại nhất là ai? Dĩ nhiên không phải là họ, mà là những người nông dân ở Bình Thuận, Tây Nam Bộ, Quảng Ngãi… Những kẻ to mồm kêu bài Trung Quốc lại là những kẻ chẳng bao giờ đặt mình vào vị trí một người khác, những kẻ ấy biết chắc là sẽ bản thân sẽ không thiệt hại gì, chẳng bị làm sao để rồi hô những khẩu hiệu rỗng tuếch và nhạt miệng.
Có một anh chủ khách sạn ở Đà Nẵng, treo biển: Không tiếp khách Trung Quốc. Anh hồ hởi tự hào rằng, thiếu khách Trung Quốc không chết, đuổi những người khách mặt còn ngơ ngác, mà cái kiểu anh ấy mô tả là đuổi như đuổi vong ấy và anh ta kêu gọi Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng… ngừng tiếp khách Trung Quốc kể cả sau này. Nhưng sau tất cả, cái thằng cha đó lại chẳng phải là người Đà Nẵng hay Nha Trang, mà là một “nhà dân chủ” ở tận đâu đó. Vậy mà vẫn có những người cả tin, đạt cả chục ngàn lượt like, hàng ngàn lượt chia sẻ. Trong khi người dân Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An… thì họ không lên tiếng và đang phải vượt khó trong giai đoạn này và theo dự báo, cần ít nhất 3 tháng để phục hồi trong khi mùa du lịch chỉ còn 2 tháng nữa là bắt đầu vào giai đoạn trọng điểm.
Có những kẻ lợi dụng dịch bệnh và tâm lý bài Trung Quốc, mục đích của chúng là làm thiệt hại kinh tế. Sẽ ra sao nếu người dân Trung Quốc biết tin họ bị tẩy chay tại Việt Nam? Ngành du lịch của chúng ta coi như đổ như những quân cờ Domino.
Đôi khi mình không hiểu rằng, họ bài Trung Quốc hay bài Việt đây?
Thái Lan đã “móc túi” được hơn 17,6 tỷ USD từ người Trung Quốc, tổng lượng khách Trung Quốc ghé thăm Thái Lan đạt mốc 11 triệu người. Theo Bộ trưởng tài chính Úc Josh Frydenberg, quốc gia này mỗi tháng thu về khoảng gần 700 triệu USD từ du lịch, trong đó 80% là từ khách Trung Quốc. Tại Nhật Bản, du khách Trung Quốc chiếm ⅓ tổng lượng khách, đóng góp 40% chi tiêu du lịch. Còn đảo quốc Singapore ước tính, 1 triệu khách du lịch Trung Quốc đem lại 1 tỷ USD, một con số rất lớn.
Theo Tổ chức Du lịch quốc tế, năm 2018, có hơn 150 triệu khách Trung Quốc bước chân ra nước ngoài theo diện du lịch. Năm 2020, nếu không có dịch Corona, con số này sẽ vượt mốc 220 triệu lượt, tổng số tiền mà nguời dân Trung Quốc chi tiêu cán mốc 350 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn con số GDP của Việt Nam.
Vậy tại sao, nằm ở sát vách Trung Quốc, có những nét tương đồng về văn hóa, giao thông thuận tiện, di chuyển dễ dàng, nhiều người trong số chúng ta lại giữ tâm lý bài Tàu như vậy? Điều này ngoài tâm lý sợ Trung Quốc, lo lắng Trung Quốc sẽ xâm chiếm Việt Nam còn một lý do khác đó là tâm lý luôn nghĩ phương Tây là điều gì đó tốt đẹp, một số lý do khác là những thông tin tràn lan không kiểm chứng trên mạng, người dân thì cứ bị dắt mũi.
Mình không thể hiểu được, một quốc gia chi tiêu cho du lịch đã vượt mốc 300 tỷ USD, gần 250 triệu hành khách, dẫn đầu thế giới, mức chi du lịch trên đầu người của khách Trung Quốc đạt 1850 USD/1 người, chỉ sau Úc và Singapore lại có nhiều người Việt chê nguồn lợi tức khổng lồ đến như vậy?
Lắm người cứ bị dắt mũi về con số “Tour 0 đồng”, mà kỳ lạ, toàn những người ở đâu thì kêu ca chứ những người làm dịch vụ du lịch Trung Quốc thì chẳng mấy. Tour 0 đồng là tour mà du khách sẽ không bỏ một chi phí nào, các điểm đến còn trả tiền ngược lại cho các công ty du lịch, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”, thông qua các hình thức như “chăn dắt” khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa, còn lại mới là lợi nhuận.
Theo Tổng cục du lịch, các “Tour 0 đồng” vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương, nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng, đây cũng vẫn là xu hướng chung của du lịch thế giới. Tổ chức Du lịch Thế giới và các quốc gia luôn luôn lấy lượng khách là một trong hai tiêu chí quan trọng hàng đầu khi thống kê và đánh giá về mức độ thành công phát triển của một quốc gia, điểm đến. Vấn đề đặt ra là khi đặt chân đến Việt Nam, khách không thể không ở khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa). Tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng cũng không nằm ngoài quy luật này.
Vào mùa cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, các công ty gửi khách thuận lẽ tự nhiên không cần giảm giá tour đến mức thấp nhất, nhưng ngược lại, vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch. Có đường bay ổn định mới có khách du lịch, có khách du lịch mới có nguồn thu.
Nhưng về cơ bản, những thanh niên thích ý kiến ý cò nhất lại chẳng bao giờ chịu tìm hiểu hay đọc những tin này và lại càng chẳng có tý chuyên môn gì về du lịch hay dịch vụ. Kiểu người ở nơi này lại lo hộ cho những người ở nơi khác. Trong xu thế toàn cầu hóa, sức mạnh của mỗi quốc gia cũng nằm ở việc bản thân quốc gia đó có chấp nhận làm bạn bè với các quốc gia khác hay không. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khúc mắc trong quá khứ, người Việt Nam sẽ không quên, nhưng không ai ôm thù hận để mà đi ngủ cả, rồi ngày mai chả lẽ lại chịu đói à?
Nhiều người bài Trung Quốc cực đoan đến mức, họ không chấp nhận rằng văn hóa Việt cũng chịu sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc, thậm chí kể cả chữ Nôm cũng vậy. Nhưng chịu sự ảnh hưởng không có nghĩa đánh mất đi giá trị dân tộc. Trung Hoa là một nền văn hóa lớn của thế giới, là một trong những quốc gia có ảnh hưởng đến nhất mọi giai đoạn phát triển của thế giới. Phải hiểu rằng Việt Nam chỉ là một quốc gia nhỏ bẻ, bị ảnh hưởng là việc đương nhiên. Vậy nên, đừng có cái gì cũng bài Trung Quốc.
Cũng như việc học tiếng Trung Quốc, hồi học cấp 3, người dân mình còn có cái kiểu luôn nghĩ rằng ai học tiếng Trung Quốc là những kẻ phản quốc. Học làm gì? Tại sao không học tiếng Anh, tiếng Pháp, học tiếng phương Tây ấy? Phương Tây vốn là văn minh mà? Giờ thì thanh niên bị chửi ấy lại là người giàu nhất nhì làng, vì buôn bán được với Trung Quốc, rồi cả làng đổ xô đi học tiếng Trung để mong muốn có những vị trí cao hơn trong công ty, những người chửi Trung Quốc hồi đó lại là những người tích cực xúi con cháu đi học tiếng Trung nhất.
Há miệng mắc quai!
Nhiều người cứ mặc định là Trung Quốc xấu và tệ, nhưng trong con mắt của nhiều quốc gia khác, người Việt cũng đâu đẹp dễ gì hơn mấy? Rõ ràng, những tin tức về người Trung Quốc xấu xí luôn xuất hiện sớm nhất vì nó khiến cho tin tức đó nhiều view nhất, bất cứ thứ tin tức gì liên quan đến Trung Quốc đều đông người đọc và dĩ nhiên, những tin tức đó khiến người Trung Quốc luôn xấu xí.
Nhưng mình luôn nghĩ trong đầu, có người này thì có người kia.
Thù hẳn thực chất chẳng giúp ích gì cho sự phát triển của một quốc gia. Chúng ta đã tạm gác lại để chơi với Mỹ, Pháp, Nhật, thì với Trung Quốc, một cái bắt tay luôn là điều cần phải làm.
Nếu nói một cách tiêu cực, muốn đánh bại một quốc gia thì phải hiểu quốc gia đó.