+
Aa
-
like
comment

Chúng ta đã nhận diện vấn đề Vaccine và kinh tế

13/06/2021 16:52

“Muốn vắc-xin không trở thành câu chuyện chính trị, phải quay trở lại định hướng của Đảng từ cách đây 15 năm rằng, ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định” – TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng trao đổi xung quanh vấn đề chống dịch của nước ta hiện nay.

Người dân đã cạn nguồn sống

Cả thế giới đã trải qua hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 đầy gian khó. Nước Mỹ cũng như một số nước Châu Âu đã mở cửa hoạt động trở lại, trong khi Việt Nam chúng ta vẫn đang gồng mình chống dịch. Tác động của tình thế này sẽ ra sao đây, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta đã từng dự báo dịch bệnh có thể đã ổn và rồi không ai lường được virus đã biến sang chủng Anh, Ấn Độ với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn. Đến bây giờ, chúng ta đã nhận diện vấn đề trên nền tảng có hai chủng mới. Qua đợt dịch bùng nổ lần thứ 4 này, số người nhiễm ở Việt Nam bằng cả ba lần trước nhưng tỉ lệ tử vong vẫn ở mức độ thấp và tình hình thực tế khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều.

Khó khăn hơn bởi vì người dân đã hết nguồn tích trữ; những gì mà người dân tiết kiệm được đã bỏ ra trang trải cho những đợt dịch vừa rồi. Thời điểm đầu năm nay, người dân hi vọng sau Đại hội Đảng không khí sẽ tích cực, phấn khởi hơn để phát triển, đầu tư nhưng lại vấp phải hai đợt dịch tháng 2 và tháng 4 vừa rồi là khó khăn.

TS Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải vừa tăng cường năng lực sản xuát vắc-xin, vừa cố gắng đàm phán mua vắc-xin về tiêm cho dân và mở cửa lại nền kinh tế.

Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế, nền kinh tế thế giới có những nước khôi phục rất nhanh như Mỹ, Trung Quốc. Khi tốc độ khôi phục kinh tế của các siêu cường như vậy đi kèm theo các gói hỗ trợ kinh tế cực lớn bằng cách họ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động lẫn các doanh nghiệp. Như vậy, khả năng sẽ đẩy tăng giá vật tư hàng hoá tương đối cao.

Với thực lực kinh tế của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam cao gấp 2,1 lần so với GDP nên chắc chắn chúng ta bị ảnh hưởng tới cả sản xuất và đời sống người lao động.

Hiện nay, chúng ta đang giữ được mức ổn định đời sống người lao động. Còn ảnh hưởng đến sản xuất, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận vì Việt Nam hoạt động theo nền kinh tế thị trường; khi cầu cao, cung thấp giá sẽ bị đẩy lên.

Vắc-xin: ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định

Vắc-xin chính là vũ khí để đưa đất nước ta hoạt động, mở cửa trở lại bình thường. Nhưng đến nay mới hơn 1% dân số được tiêm phòng. Bộ Y tế cho biết đã chủ động đàm phán mua vắc-xin từ rất sớm, nhưng có vẻ là rất khó có vắc-xin sớm, thưa ông?

Hồi tháng 3, tôi có nói vắc-xin trở thành một vấn đề chính trị chứ không đơn thuần là vấn đề kinh tế nữa. Đến bây giờ, việc này đã thể hiện rõ. Việc công nhận một vắc-xin nào đó theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc không công nhận đều mang nhiều màu sắc chính trị.

Chúng ta thử đặt vấn đề đặt mình vào tình huống, nếu không có vắc-xin liệu có phương án nào tốt hơn phương án chúng ta đang áp dụng không? Phương án ta đang áp dụng là phát hiện, cô lập vùng lây nhiễm là phương án tối ưu để nó không trở thành đại dịch, không tác động liên quan đến xã hội.

Muốn vắc-xin không trở thành câu chuyện chính trị, phải quay trở lại định hướng của Đảng từ cách đây 15 năm rằng, ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Điều này có nghĩa là chúng ta phải vừa tăng cường năng lực sản xuát vắc-xin, vừa cố gắng đàm phán mua vắc-xin về tiêm cho dân và mở cửa lại nền kinh tế.

Ông có thể phân tích cụ thể đâu là những yếu tố nội lực hình thành nên câu chuyện vắc-xin ở nước ta hiện nay?

Tôi cho rằng có 3 lí do. Thứ nhất, Việt Nam không phải vùng dịch như chúng ta và thế giới nhìn nhận. Thứ hai, quan hệ đối ngoại và sức mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế ngày hôm nay là kết quả của chủ trương đối ngoại độc lập và tự chủ; phương châm của chúng ta không ngả về nước nào. Thứ ba, chúng ta cần tăng cường nội lực của quốc gia (trong sản xuất vắc-xin).

Cho nên, câu chuyện vắc-xin của nước ta cần nhìn nhận từ góc độ đó. Tổ tư vấn chúng tôi đã có một bản báo cáo nhanh gửi Thủ tướng về quy trình phê duyệt vắc-xin, trong đó nhận định, các quốc gia như Nga, Mỹ đều áp dụng luật thời chiến để sản xuất vắc-xin.

Lô vắc xin phòng COVID-19 gồm 811.200 liều đầu tiên do COVAX tài trợ đã về đến Việt Nam vào hồi tháng 4/2021. Ảnh: Bộ Y tế

Luật thời chiến sản xuất vắc-xin của ông Donald Trump kí vào tháng 4/2020 có hai điểm quan trọng: Tất cả doanh nghiệp sản xuất vắc-xin phải dừng các hoạt động sản xuất khác để sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước, nếu không làm sẽ trưng thu doanh nghiệp. Điểm thứ hai, cho phép các công ty dược chỉ thực hiện đến giai đoạn hai đưa sản phẩm ra thị trường, vừa ứng dụng, vừa nghiên cứu khắc phục.

Hiện nay, Chính phủ đã mở ra cho doanh nghiệp, tổ chức được quyền mua, nhập vắc-xin. Nhà nước cũng đã công bố những loại vắc-xin nào doanh nghiệp được nhập vào Việt Nam. Nhà nước cũng đã giao Bộ Y tế có trách nhiệm tư vấn tổ chức tiêm cho các doanh nghiệp nhằm bảo đảm quy trình tiêm. Từ đó, Bộ Y tế cử cán bộ có chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tiêm.

Chính phủ đang cố đổi lượng thành chất

Ông có những khuyến nghị gì với Chính phủ trong nửa năm 2021 còn lại để đạt được những mục tiêu đề ra với phương châm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Nửa năm tới đây, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ có lẽ vẫn đi song song vào ba hướng: phòng chống dịch, xử lí đầu tư công, mở cửa tạo ra sự thông thoáng cho nền kinh tế nói chung. Đó là 3 trụ cột Chính phủ tập trung điều hành trong sáu tháng cuối năm này. Chính phủ khoá này đang thực hiện theo đúng phương châm của chủ nghĩa duy vật biện chứng là lượng đổi thành chất, làm từ những việc nhỏ, từng địa phương để nghiên cứu đánh giá tác động của nó rồi mới nhân rộng lên cấp quốc gia.

Đó cũng là cách làm mới, khác với các Chính phủ khoá trước. Chúng ta chưa thể đánh giá được cách nào hiệu quả hơn nhưng có thể nói, với cách điều hành thế này, có niềm tin là vụ vải năm nay sẽ thành công, từ vụ vải sẽ nhân ra các vụ khác thành công nữa, và dần dần nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn. Đó cũng chính là phương châm điều hành kiểm nghiệm từ thực tiễn, kiểm nghiệm chính sách vĩ mô.

Những người làm công tác điều hành kinh tế vĩ mô phải bám vào văn kiện Đại hội Đảng thứ XIII. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chẳng hạn, vừa rồi Chính phủ họp đột xuất để xử lí nguyên liệu, vật tư cho tuyến đường cao tốc; Chính phủ cũng họp và ban hành ngay Nghị quyết mua vắc-xin. Những quyết định đó của Chính phủ rất nhanh chóng và kịp thời nhưng vẫn tuân thủ quy định được đồng thuận trong Chính phủ. Việc này đòi hỏi bộ máy giúp việc đưa ra những vấn đề xin ý kiến thành viên Chính phủ rất cụ thể để giúp người đứng đầu Chính phủ đủ căn cứ để ra quyết định. Điều đó thể hiện tính tập thể của Chính phủ cũng như trách nhiệm của người đứng đầu.

Còn về trung và dài hạn, theo ông, những chính sách vĩ mô nào là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển?

Những người làm công tác điều hành kinh tế vĩ mô phải bám vào văn kiện Đại hội Đảng thứ XIII vì đây là bước phát triển cho cương lĩnh 2011, đã quy định rõ: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế, tuân thủ theo các quy luật kinh tế thị trường, có sự quản lí và điều hành của Nhà nước.

Sự quản lí và điều hành của nhà nước ở đây không phải là nhà nước dùng kinh tế nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường. Vấn đề là, ta thông qua các giải pháp về thuế, thủ tục hành chính,… để rút ngắn quá trình sản xuất, tạo ra dòng luân chuyển vốn nhanh hơn, từ đó tạo hiệu quả nhiều hơn để bù đắp lại tăng giá của thị trường, giữ được lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong mô hình đổi mới cơ cấu kinh tế Việt Nam phải thoát ra được tư duy nhùng nhằng giữa nền kinh tế thị trường với nền kinh tế thị trường có sự điều hành của nhà nước. Cái gì vốn của nhà nước, nhà nước tự làm, đó là quyền của nhà nước. Cái gì nhà nước để nền kinh tế thị trường tự quyết định thì thị trường tự quyết định.

Quan trọng nhất, giữ được bạn hàng khi ta xuất thì ta đặt mình vào một bộ phận của chuỗi giá trị xuất khẩu đó. Câu mà chúng ta hay nói: “Việt Nam là đối tác tin cậy” phải thể hiện được trên lĩnh vực kinh tế chứ không chỉ thể hiện trong lĩnh vực đối ngoại. Khi Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu, phải đảm bảo được tất cả doanh nghiệp trong chuỗi này đều được hưởng lợi ích kinh tế do chuỗi này đem lại.

Hiện nay, trong công tác điều hành vĩ mô chúng ta đang làm những việc đó. Tuy nhiên, từ chính sách đi đến tác động của cuộc sống sẽ có một độ chậm trễ nhất định.

Lan Anh

Bài mới
Đọc nhiều