+
Aa
-
like
comment

“Chúng ta có thể thực hiện kế hoạch rút lui khỏi nhiệt điện than được không?”

16/09/2020 14:54

Nhiều địa phương từ chối điện than, một số Đại biểu Quốc hội hỏi có “rút lui khỏi điện than được không?”. Dù chưa khẳng định thoái lui khỏi điện than, nhưng Bộ Công Thương cũng đang lên kế hoạch giảm dần tỷ trọng của nguồn điện này.

Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả xả khói mù trời

Ngã rẽ mới của điện than

“Chúng ta có thể thực hiện kế hoạch rút lui khỏi nhiệt điện than được không?”, Đó là câu hỏi của một vị Đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên giải trình về thực trạng phát triển điện do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng gợi mở cuộc thảo luận về điện bằng loạt câu hỏi: Hiện nhiều địa phương đề nghị không làm điện than, vấn đề này làm thế nào? Vai trò điện than trong thời gian tới, trong bối cảnh này sắp tới như thế nào?

Giải trình các câu hỏi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh “điện than không phải là tội đồ”, song ông cũng cho biết tại quy hoạch điện 8 tỷ trọng điện than sẽ giảm.

Từ chối nhiệt điện than, mua điện giá cao ai đủ sức chịu đựng
Nhiệt điện than đóng góp phần nhiều sản lượng điện hàng năm.

Nhắc đến việc một số địa phương như Long An, Bạc Liêu,… từ chối điện than, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng điều này khiến chúng ta “lúng túng tìm nguồn thay thế”. Chính phủ đã có sự linh hoạt điều chỉnh quy hoạch để các địa phương từ chối điện than làm điện khí.

Ngoài ra, đáng chú ý là định hướng xây dựng quy hoạch điện 8 sẽ “không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than”, mà chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than “đã có trong quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh”.

Báo cáo thực trạng phát triển điện lực mới đây của Bộ Công Thương cho thấy: Đến hết năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện tăng trên 2,6 lần so với năm 2010, đạt 54.880 MW. Trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc năm 2019, nhiệt điện than chiếm 36%, thủy điện chiếm 37%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu chiếm 16%, năng lượng tái tạo chiếm 10%, nhập khẩu chiếm 1%. Tổng số nhà máy điện đang hoạt động là 160 (không bao gồm các nhà máy thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo).

Giai đoạn 2011-2015, điện than có mức tăng trưởng lớn nhất (bình quân 27%/ năm), tiếp đến là thủy điện. Còn giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Những năm qua, tỷ trọng điện năng sản xuất có xu hướng tăng nhanh: từ 17% năm 2010 tăng lên tới 35% năm 2015 và chiếm tới 50% trong cơ cấu nguồn điện năm 2019.

Trong định hướng xây dựng quy hoạch điện 8, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo đang được dự kiến gia tăng sản lượng đóng góp vào hệ thống điện, giảm tỷ lệ nhiệt điện than.

Từ chối nhiệt điện than, mua điện giá cao ai đủ sức chịu đựng
Giá điện phải phù hợp sức chi trả của người dân, sức chịu đựng của nền kinh tế. 

Huy động nguồn điện giá cao, phải tính đến sức chịu đựng 

Điện than giảm, đòi hỏi phải có nguồn điện thay thế. Những diễn biến gần đây cho thấy, điện khí, điện mặt trời, điện gió,… đang vươn lên. Hàng trăm nghìn MW điện khí đang trực chờ bổ sung quy hoạch, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn rót tiền vào điện khí. Hàng chục ngàn MW điện gió, điện mặt trời cũng được tấp nập đầu tư.

Nhưng giá cao là đặc điểm của những loại hình năng lượng được đánh giá là “thân thiện với môi trường” này. Hiện nay, điện than có giá thấp chỉ sau thủy điện, và thấp hơn nhiều điện mặt trời, điện gió, điện khí.

Vì thế, khi nói về việc giảm điện than, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có lý do để lưu ý rằng “không thể trút gánh nặng lên nền kinh tế nếu nguồn điện giá cao đưa vào ồ ạt, làm ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế xã hội”.

Trong khi đó, việc điều chỉnh giá điện, nói như Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển, “mỗi lần điều chỉnh là một lần khó khăn bởi rào cản của thu nhập, của giá thành, sự không chấp nhận của người mua, của dư luận, của báo chí”.

“Đó là lẽ thường tình bởi chẳng ai muốn mua gì đắt cả, càng rẻ càng tốt. Vấn đề là căn cứ, là công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Rõ ràng, khi chấp nhận rút dần vai trò của nhiệt điện than để tìm đến các nguồn năng lượng “thân thiện với môi trường” hơn, người dùng cũng phải đối mặt với tác động từ việc giá điện cao. Nhưng huy động nguồn điện giá cao ở mức nào là điều cơ quan chức năng phải tính toán, không phải sau một đêm là “quay ngoắt” với điện than. Nhất là khi, sau năm 2024, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh rục rịch vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không còn độc quyền bán lẻ điện. Khi đó, giá điện được tính đúng, tính đủ các loại chi phí, đảm bảo lợi ích cho bên mua điện bán điện người dân.

Giống như Phó Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý: Thực hiện cơ chế thị trường để có cạnh tranh thì mới có điều kiện hạ giá thành, giá bán điện, mới có nguồn lực để đầu tư. Thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn… Cũng có thể nói rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng.

Ngoài ra, phải lưu ý rằng không có nguồn điện nào là tuyệt đối an toàn với môi trường. Thủy điện cũng có lo ngại về việc làm giảm diện tích rừng, an toàn hạ du; nhiệt điện than có bụi tro xỉ, khí thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm; điện mặt trời cũng đang dấy lên lo ngại về việc xử lý các tấm pin; điện gió bị cảnh báo về tiếng ồn và nhiều tác động khác,… Cho nên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của bất cứ nguồn điện nào hay phủ nhận sạch trơn vai trò của nhiệt điện than, mà cần sự phát triển hài hòa các loại nguồn điện. Làm như vậy, người dân mới được tiêu dùng giá điện ở mức hợp lý.

Lương Bằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều