Chúng ta có quyền tự hào về những điều đã làm được!
Tại bài viết hôm 30/8, tờ Jerusalem Post của Israel cho hay, Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế với các động thái phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch Covid-19.
“Dù Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam rất tích cực và “tươi sáng nhất châu Á”. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là có vị thế tốt để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu” – tờ báo viết.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và ở châu Á đang loay hoay chống Covid-19, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, những đánh giá của Jerusalem Post không hề mang ý nghĩa “khen đãi bôi”, “khen ngoại giao” mà hoàn toàn có cơ sở. Và chúng ta có quyền tự hào về những điều mà chúng ta đã làm được.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng 1/9, ngày thứ 3 liên tục Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng – một thông tin rất tích cực và phấn khởi ngay trước thềm kỷ niệm Quốc khánh 2/9.
Dẫu chưa thể hoàn toàn chắc chắn nhưng chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng vào khả năng khoanh vùng dập dịch, tin rằng Việt Nam đã đi đúng hướng trong kiểm soát dịch gắn với ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, là đường đi nước bước hợp lý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 theo từng giai đoạn diễn biến của dịch, và hơn hết, là sự quả cảm của đội ngũ y bác sĩ, của các chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Với sự công nhận của đông đảo bạn bè quốc tế về những thành quả đạt được vừa qua, chúng ta một lần nữa đã cho thấy rằng, dù đất nước vẫn còn nghèo, nguồn lực hạn chế, nhưng nếu cả dân tộc cùng đồng lòng, đoàn kết, tuân thủ kỷ luật và nỗ lực sáng tạo… thì chúng ta vẫn sẽ ngẩng cao đầu, không khuất phục trước bất cứ khó khăn, thử thách nào.
Bài báo trên Jerusalem Post không chỉ đề cập đến hoạt động chống dịch mà còn ghi nhận những bước tiến dài của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Chúng ta biết rằng, Israel là một đất nước không có rừng vàng, biển bạc, tới 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, khí hậu khô hạn… lại liên tục xảy ra xung đột nhưng họ lại có một nền kinh tế hùng mạnh, một cường quốc nông nghiệp công nghệ cao.
Hôm nay, một tờ báo ở Israel ca ngợi Việt Nam là “ngôi sao sáng ở châu Á” – quả thật rất đỗi tự hào. Tuy nhiên từ đó cũng thấy rằng, để vươn lên trên bản đồ kinh tế thế giới, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.
Cần đặt ra câu hỏi: Vì sao “rừng vàng, biển bạc” song cho đến nay Việt Nam vẫn mới chỉ là một quốc gia mới bước vào ngưỡng thu nhập trung bình? Phải chăng, điều làm nên sự kỳ diệu của một dân tộc hoàn toàn không phải dựa vào sự ưu ái của thiên nhiên, mà hơn hết phải xuất phát từ tinh thần, ý chí và sức sáng tạo!
Đúng 75 năm trước, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong chặng đường 75 năm gian nan ấy, cha ông đã chiến đấu kiên cường để gìn giữ bảo vệ đất nước và nhiệm vụ của chúng ta hôm nay cũng nặng nề không kém. Không chỉ là chống dịch Covid-19 thành công mà còn phải diệt trừ được tham nhũng, loại bỏ được “nội xâm” – chỉ khi đó, kinh tế mới phát triển một cách bền vững và lành mạnh.
Bích Diệp/DT