Chúng ta có nên “học” theo Trung Quốc?
Nhằm đạt yêu sách về chủ quyền phi pháp, để biến Biển Đông thành ao nhà, biến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa – nơi mà Trung Quốc đang chiếm giữ một số đảo bất hợp pháp – trở thành “hợp pháp”. Thời gian qua Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các chiêu thức. Việt Nam có thể sử dụng chính chiêu thức đó của Trung Quốc, áp dụng vào bảo vệ chủ quyền hợp pháp của ta.
Trong thời gian qua, rất nhiều các nhãn hàng từ thời trang đến công nghệ có thương hiệu toàn cầu chấp thuận điều kiện trao đổi, ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” sai phạm của Trung Quốc để được lưu thông hàng hóa vào thị trường nước này. Gần đây nhất là H&M, chỉ sau vài giờ ủng hộ “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền của Việt Nam, người dân Việt Nam đã kêu gọi tẩy chay, các cửa hàng H&M tại Việt Nam ngay lập tức vắng tanh người. Có thể thấy tinh thần yêu nước của người Việt Nam thể hiện cao độ. Tuy nhiên, tẩy chay sản phẩm có “đường lưỡi bò” không phải là chiến lược khôn ngoan và hiệu ứng lâu dài.
Trên thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm có thương hiệu, tên tuổi lớn của quốc tế tuyên truyền cho chủ quyền trái phép của Trung Quốc, phải kể đến như: Zara, Chanel, Gucci, Uniqlo, Merc, BMW. Câu hỏi đặt ra: chẳng lẽ người Việt tẩy chay đồng loạt tất cả? Tẩy chay – có lẽ, đó không phải là lựa chọn thông minh, trong bước chuyển của thời đại. Nhìn lại quá trình xâm lược văn hóa, tuyên truyền chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc thực hiện hiện nay, mục đích không gì khác là “để cái sai nói hoài thành đúng”, tiêm nhiễm để thế hệ kế thừa tin rằng Biển Đông của Trung Quốc là thật, từ đó đi đến chiến lược bền vững “biến chủ quyền phi pháp thành hợp pháp”.
Mấu chốt vấn đề là ở đây, các hãng tham gia vào thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ Luật An Ninh mạng Trung Quốc, trong đó là thể hiện yêu sách cái gọi là “đường lưỡi bò”. Các nhà kinh tế, các doanh nghiệp đã “thỏa hiệp” với Trung Quốc, để bước chân vào thị trường Trung Hoa. Vậy, phải chăng Việt Nam cũng nên sử dụng chính chiêu này của “người khổng lồ”? Trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh rất nhiều, những thương hiệu nổi tiếng phải kể đến như: Intel, General Electric, Microsoft, AIG, Coca-Cola của Mỹ; Samsung, LG, Lotte của Hàn Quốc; Aeon Mall, Honda, Toyota của Nhật Bản; hàng loạt các mặt hàng Thái Lan đang kinh doanh tại Việt Nam nổi tiếng từ bột giặt thương hiệu Carefor, Nice, Queen, Fineline, Dnee, đến nước rửa bát Pin, Lipon, các chất tẩy rửa, lau sàn từ thương hiệu Whiz, Hygien, Daiwa, và rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm Thái Lan Mistine, Oriental Princess, Karmart, Senspa thông dụng với người tiêu dùng Việt.
Nói đến đây, người viết có nhiều liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có phải treo cổ, các nhà tư bản cũng sẽ làm”!
Vấn đề cốt lõi của Việt Nam, đó là chúng ta cũng có Luật, tuy nhiên, việc “hiện thực hóa” Hiến pháp vào trong các bộ Luật tại Việt Nam, trong công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia, ở những ban ngành chủ chốt thì dường như chưa được thể hiện rõ nét.
Cụ thể ở ngay trong Luật Đầu tư, Điều 20 của bộ Luật này quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam”. Còn tuân thủ thế nào, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ra sao thì chưa thể hiện rõ. Hậu quả cho những kẻ hở này, chúng ta từng “thủng lưới” vào năm 2019 khi phát hiện hàng loạt xe ô tô Trung Quốc được bán ở Việt Nam chứa đựng “đường lưỡi bò”; sau đó là phát hiện phim hoạt hình và ấn phẩm văn hóa lòn “đường lưỡi bò” vi phạm đến nghiêm trọng chủ quyền an ninh quốc gia của Việt Nam.
Ngoài Luật Đầu tư, chúng ta còn có Luật An ninh mạng. Nội dung Luật An Ninh mạng cũng quy định rõ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác phòng, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đọc hết quyển Luật này cũng không tìm thấy nội dung nào quy định: doanh nghiệp nước ngoài khi làm ăn tại Việt Nam phải tuân thủ chủ quyền Việt Nam và thể hiện điều đó như thế nào? Đến đây thì hẳn ai cũng hiểu, vì sao các hãng hàng kinh doanh tại Việt Nam lại chưa thực hiện, tôn trọng đúng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Những sai phạm nghiêm trọng về chủ quyền diễn ra ngay tại Việt Nam suốt thời gian dài vừa qua, điều đó cho thấy: Pháp lý chúng ta chưa đủ mạnh! Để khắc phục những lỗ hỏng này, cần hành động quyết liệt, nhanh chóng từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, kinh qua nhiều nhiệm vụ trọng yếu, thiết nghĩ ông Vương Đình Huệ nên có ý kiến và trăn trở nhiều hơn về những “điểm trống” hiện nay của pháp luật Việt Nam; cần lấy ý kiến ĐBQH và thúc đẩy các Bộ, Ban ngành liên quan kiện toàn, quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng chủ quyền của đất nước Việt Nam.
Và cũng rất cần hành động kiến tạo, đột phá từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc cải cách, thúc đẩy, ban hành Nghị định thực thi, để chúng ta có khung pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng hệ thống pháp luật.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia, cần các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết liệt hơn nữa trên nhiều phương diện, bằng quy định pháp luật cụ thể, bằng sự giám sát chặt chẽ và có trách nhiệm. Tuy nhiên, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nếu chỉ cơ quan chức năng thôi là chưa đủ, cần người dân Việt Nam cùng hành động, truy vết và tố cáo kịp thời những hành vi gian dối của những ai cho “đường lưỡi bò” quá gian, lòn vào Việt Nam.
Đôi khi không tiếp tay quảng bá “đường lưỡi bò”, hiểu về lịch sử Việt Nam và tuyên truyền về chủ quyền quốc gia với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, cũng là một trong những cách thiết thực, hiệu quả, thể hiện lòng yêu nước.
Thái Thanh