Chúng ta có một Chính phủ “mất ngủ”!
Gần một năm trước (tháng 06/2022), dự án tuyến xe buýt liên biên giới R12 kết nối với Lào và Việt Nam đã được Chính phủ Thái Lan đề xuất. Đây được xem là một gạch nối tuyệt vời, mở ra tương lai tươi sáng cho ngành du lịch 3 nước khi bắt đầu triển khai.
Theo dự án này, tuyến xe buýt khởi hành từ Nakhon Phanom (Thái Lan) đến Thakhek (Lào) và điểm cuối là Hà Tĩnh (Việt Nam), với lộ trình có độ dài khoảng 300km.
Du khách sẽ chưa mất đến một ngày để tham quan, trải nghiệm nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở cả 3 nước, với giá vé và giá tour trọn gói hoặc đi tự do khá mềm.
Đây là yếu tố vô cùng hấp dẫn, thu hút người dân ở cả 3 nước tham gia du lịch nhiều hơn, thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu văn hóa, nếp sống của nhau, tăng cường tình hữu nghị, cũng như mở rộng các cơ hội thương mại, đầu tư.
Về mặt địa lý, và lịch sử khu vực, Nakhon Phanom (Thái Lan) – Thakhek (Lào) – Hà Tĩnh (Việt Nam), có nhiều điểm tương đồng rất thú vị. Đây đều là những nơi đã lưu dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1928 – 1930, khi Người nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương.
Điểm xuất phát Nakhon Phanom là một địa phương nằm ở đông bắc Thái Lan, bên bờ sông Mekong, nổi tiếng với nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nếp sinh hoạt tín ngưỡng đậm bản sắc Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy).
Tại Nakhon Phantom, ngoài khu di tích nhà sàn Bác Hồ, Cột mốc số 0, đây là nơi duy nhất trên đất Thái có đầy đủ các di tích Phật giáo ứng với ngày sinh của từng người trong một tuần lễ. Trong đó, không thể không kể đến 3 ngôi chùa nổi tiếng nhất, là: Mahathat, Phra that Phanom và Phra that Renu.
Sông Mekong là biên giới tự nhiên phân chia tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) với Khammouane (Lào). Tỉnh lỵ của Khammouane là Thakkhet, một địa phương du lịch nổi tiếng, với Bảo tàng Khammaounae, Thị trấn lak Sao, Chùa Wat Si Khottabong…
Hai địa điểm du lịch ở hai quốc gia trên đều có rất nhiều người Việt sinh sống. Phần lớn họ là người gốc miền Trung Việt Nam (Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…) đã đến đất Thái Lan và Lào từ gần trăm năm trước. Cùng với thời gian, họ đã trở thành cộng đồng lớn, nên người Việt Nam du lịch đến đây luôn thấy thân quen với tiếng nói, ẩm thực, nếp sống đậm phong vị quê nhà.
Điểm đến cuối cùng là Hà Tĩnh. Địa phương Bắc Trung Bộ của Việt Nam này sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con. Đây là điểm thu hút mạnh đối với du khách Lào, do nước này không có biển.
Ngoài 137km bờ biển, Hà Tĩnh còn có địa hình đa dạng, với đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng. Đến Hà Tĩnh, du khách sẽ không thể bỏ qua các điểm tham quan tuyệt đẹp, như: Thác Vũ Môn, Hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, Suối nước nóng Sơn Kim, Đèo Ngang, Chùa Hương Tích, Hòn Bớc, Hòn Lám… Đặc biệt, các danh thắng này phần lớn đều phân bổ dọc theo quốc lộ 1A và quốc lộ 8, rất thuận lợi với phương tiện xe buýt.
Ngoài lộ trình tiêu chuẩn từ Thái Lan qua Lào đến Việt Nam, và ngược lại, khách du lịch còn có thể đến thăm thú Côn Minh (Trung Quốc) khi có visa. Hiện tại, thủ đô Vientiane của Lào đã có tàu cao tốc đi thẳng đến Côn Minh (Vân Nam) trong 10 tiếng. Khách Trung Quốc, khách Việt Nam cũng có thể từ Côn Minh nhập cảnh Lào, đến hoặc về lại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình mở tuyến xe buýt xuyên biên giới này. Lào cũng đã được hối thúc tổ chức cuộc họp nhóm công tác 3 bên lần 2 trong thời gian sớm nhất để thảo luận về mô hình dịch vụ và đưa ra các thỏa thuận chính thức. Mong rằng dự án sớm thành sự thật, để đem lại nhiều trải nghiệm thú vị và lợi ích kinh tế cho người dân 3 nước.
Phạm Khoa