‘Chúng ta chọn kịch bản thứ 3, mạnh mẽ ngăn nguồn lây Covid-19 ra cộng đồng’
Dựa trên diễn biến dịch bệnh Covid-19 thế giới và trong nước đều rất phức tạp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng “rất có khả năng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phải hoạt động trong một thời gian rất dài nữa, chứ không ngắn được”.
“Nếu chúng ta cách ly tốt, người dân chấp hành tốt, Hà Nội sẽ chỉ có các ổ dịch nhỏ”
Tại buổi giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 27.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã nhờ một số chuyên gia toán học và dịch tễ học phân tích, nghiên cứu từ tình hình Vũ Hán (Trung Quốc) để chạy mô hình mô phỏng theo 3 kịch bản.
Thứ nhất là kịch bản không làm gì. Thứ 2 là triển khai cách biện pháp không quá mạnh tay. Và thứ ba là thực hiện mạnh mẽ các biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại cộng đồng, cách ly xã hội (social distancing – cách mà đa phần các nước có dịch trên thế giới đang làm).
“Chúng ta đã chọn kịch bản thứ 3 là làm mạnh mẽ, ngăn nguồn lây nhiễm bệnh ra xã hội. Chúng ta không để dịch bệnh phát tán ra nơi đông người, nhưng nó có thể cháy thành các điểm cháy nhỏ, tức là các ổ dịch nhỏ như ở Bệnh viện Bạch Mai, ở Thanh Xuân (khu vực gia đình bệnh nhân 86 sinh sống), 125 Trúc Bạch (khu vực bệnh nhân 17 sinh sống), 36 Hoàng Cầu (khu vực bệnh nhân 148 sinh sống), 24 Núi Trúc (khu vực bệnh nhân 50 sinh sống)”, ông Chung nói.
“Nếu chúng ta cách ly tốt và người dân chấp hành tốt, thì nó chỉ trở thành các điểm dịch nhỏ và chúng ta phát hiện, ngăn chặn được ngay. Nếu chúng ta để thành ổ dịch lớn, đông người, sau đó phát tán khắp nơi thì sẽ như Vũ Hán”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giải thích thêm.
Theo ông Chung, Hà Nội đã có bài học về xử lý tình huống tại ổ dịch 125 Trúc Bạch, xác định được ổ dịch có 4 người lây nhiễm; sau đó xác định lịch trình của các hành khách trên chuyến bay VN0054 ngày 2.3 và cùng các địa phương ngăn chặn kịp thời.
“Cái chúng ta đã làm cho chúng ta bài học là phải có phản ứng nhanh. Và việc phản ứng nhanh này đúng theo chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo”, theo ông Chung.
Y tá, bác sĩ ở tuyến đầu chống “giặc”, nên phải có chính sách đặc biệt
Ông Chung cũng cho biết, hiện Hà Nội đang vận hành ứng dụng Smart City để phục vụ giám sát cách ly tại cộng đồng (hệ thống này đã kích hoạt, giúp phát hiện 1 trường hợp cô gái trốn cách ly ở quận Long Biên – phóng viên), tiếp nhận thông tin do người dân báo đến.
“Riêng hôm qua (26.3 – phóng viên), có 170 người dân báo qua hệ thống là có những dấu hiệu không bình thường về sức khỏe. Các quận, huyện cũng phải rút kinh nghiệm là chúng ta phản ứng còn chậm. Tôi đã chấn chỉnh việc này, và từ hôm qua, hệ thống đã trực 24/24. Khi nhận được thông tin từ người dân qua hệ thống phải lập tức báo các chủ tịch quận, huyện; giám đốc trung tâm y tế, phải đến đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra”, ông Chung yêu cầu.
Cùng với đó, trong giai đoạn chống dịch cao điểm hiện nay, ông Chung đề nghị Giám đốc Sở Y tế phải kiểm tra lại toàn bộ các nguồn lực về y tế, thuộc men, nguồn cung để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; đặc biệt là nguồn cung nhập khẩu từ các nước, kể cả cho kịch bản khám chữa bệnh dài hạn.
Ông Chung cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án chăm sóc tốt hơn với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, “đảm bảo đội ngũ y tế có đủ sức làm việc lâu dài trong mùa dịch”. Theo đó, toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm sẽ được xét nghiệm.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản được giao chủ trì nghiên cứu, kiểm tra nguồn lực của thành phố, đề xuất chính sách cao hơn cho các y tá, bác sĩ. “Chúng ta chống dịch như chống giặc, tuyến đầu chống giặc chính là y tá, bác sĩ, do vậy, cần phải có chính sách chăm sóc đặc biệt”, theo ông Chung.
Vũ Hân/TNO