+
Aa
-
like
comment

“Chúng ta chọn hành động hay tự sát?”

Lan Hoa - 27/07/2022 13:07

Đó chính là phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres trong cuộc họp về khủng hoảng khí hậu với bộ trưởng 40 quốc gia. Trong đó ông cảnh báo, thế giới chỉ được lựa chọn giữa hành động và tự sát, khi một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm do các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra trong nửa đầu năm 2022.

Cháy rừng xảy ra liên tục tại Pháp, Tây Ban Nha…

Mới đây, các nhà lãnh đạo từ 40 quốc gia cùng với Liên hợp quốc đã có cuộc họp tại Berlin (Đức), thảo luận về các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 13.

Được biết, “Đối thoại Khí hậu Petersberg” là sự kiện thường niên được tổ chức để các quốc gia tìm ra những điểm chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP). COP27 sẽ diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11.

“Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm từ lũ lụt, hạn hán, mưa bão, cháy rừng. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn: ‘Hành động hoặc tự sát’. Quyết định nằm trong tay chúng ta!”, CNBC dẫn lời ông Antonio Guterres.

Ông cũng cho biết thêm, người dân ở Châu Phi, Nam Á và Nam Mỹ có nguy cơ tử vong do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cao gấp 15 lần, và sự bất công lớn như vậy không thể kéo dài. Về mặt này, cần có một hệ thống để ứng phó với mất mát và thiệt hại do khí hậu, vốn đang ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres

Theo ông Antonio Guterres, cả thế giới nên cùng chung tay tiếp cận đa hướng để ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ:

Thứ nhất, các quốc gia cần giảm lượng khí thải bằng cách loại bỏ than và hướng tới các nguồn năng lượng không phát thải, như năng lượng tái tạo.

Thứ hai, phải tập trung nhiều hơn vào việc thích ứng một cách an toàn với các rủi ro.

Thứ ba, các quốc gia phát triển, giàu có cần thực hiện tốt các cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Thực tế, tình hình biến đổi khí hậu thể hiện rõ rệt nhất trong những ngày qua khi mức nhiệt ở khắp nơi trên thế giới cao hơn mức báo động, lên đến hơn 40 độ C.

Tại châu Âu, các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài đang là vấn đề được quan tâm nhất, đặc biệt sau những trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các mức kỷ lục ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy trong tuần này.

Không dừng lại, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo rằng, hơn một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 nước, có nguy cơ bị hạn hán do thiếu mưa và nhiệt độ cao như thiêu đốt. Tình trạng nắng nóng được dự báo kéo dài càng gây khó khăn cho việc kiểm soát cháy rừng đang lan rộng tại nhiều nước, cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, châu Âu đã trải qua 2 đợt nắng nóng nghiêm trọng trong chưa đầy một tháng. Đợt nắng nóng thứ hai bao trùm các nước Tây Âu đang làm bùng phát các đám cháy rừng lớn và đe dọa tiếp tục phá vỡ các kỷ lục ghi nhận ở Anh và Pháp. Trong vài ngày qua, cháy rừng ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Mỹ đã buộc hàng nghìn người dân và khách du lịch phải đi sơ tán, hàng trăm người già, mắc bệnh nền thậm chí đã tử vong do sốc nhiệt.

Cháy rừng châu Âu và tương lai u ám về biến đổi khí hậu

Châu Á cũng không thoát khỏi đợt sóng nhiệt mùa hè. Bản đồ nhiệt tại ba quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong những ngày vừa qua liên tục xuất hiện màu đỏ đậm, cho thấy mức nhiệt ngày càng cao. Khu vực miền Tây Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ lên tới 47-48 độ C. Vùng Đông Nam Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có mức nhiệt từ 35 đến 40 độ C. Cơ quan Y tế Trung Quốc dự báo, đợt nắng nóng đã kéo dài 30 ngày đang ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân. Còn ở Nhật Bản, hơn 15.000 người đã phải nhập viện do kiệt sức và sốc nhiệt.

Điều đặc biệt là khi cả thế giới đang trải qua một tháng 7 nắng nóng “kinh hoàng”, thì chỉ một tháng trước đấy, tháng 6/2022, rất nhiều quốc gia lại phải chịu hậu quả của những trận mưa lũ nặng nề. Riêng tại Bangladesh và Ấn Độ, các trận mưa lũ kéo dài tại đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng triệu người bị mắc kẹt.

Hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu. Những người ủng hộ năng lượng sạch hy vọng rằng, việc thực hiện đúng cam kết, xây dựng hướng đi thiết thực cho năng lượng tái tạo chính là điều kiện tiên quyết giúp giảm thiểu những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều