Chúng ta cần làm gì sau vụ tàu Malaysia bắn chết ngư dân Việt Nam?
Cách đây vài ngày, vụ việc cảnh sát biển Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ngay sau đó, trang BBC Tiếng Việt đã dẫn lời Tiến sỹ Collin Koh đến từ Viện Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore rằng: “Sự cố này vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Malaysia-Việt Nam, vừa gây phân tâm trong vấn đề tranh chấp quyền lợi với “con cá chính” là Trung Quốc trên biển Đông”.
Thoạt đầu, nghe qua lời cảnh báo của Tiến sỹ Collin Koh, hầu hết chúng ta sẽ gật gù với quan điểm có vẻ như rất hợp tình hợp lý này. Bởi đúng là cuộc đụng độ để chảy máu thế kia ít nhiều của cũng gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ hai nước Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều phải khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam không bao giờ lơi là, phân tâm, mất cảnh giác với hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Đặc biệt, thời gian qua, khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hay tuyên bố tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đều lên tiếng phản đối quyết liệt hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Thậm chí, hiện nay, Việt Nam vẫn đang theo sát và cập nhật hành trình di chuyển của tàu hải cảnh 5204 (Trung Quốc) đang di chuyển gần Lô 06.1, nơi nước ta đã hạ đặt giàn khai thác Lan Tây và khu vực mỏ Phong Lan Dại. Hải cảnh Trung Quốc đi đến đâu đều chịu sự giám sát nghiêm ngặt vtừ phía lực lượng chấp pháp của ta, hễ có bất kỳ động thái nào xâm phạm thô chủ quyền biển đảo Việt Nam thì lực lượng chấp pháp đều sẵn sàng can thiệp và ngăn chặn.
Nói vụ việc tàu cảnh sát biển Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã giao thiệp, trao công hàm cho Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam. Trong công hàm, Việt Nam đã yêu cầu xử lý nghiêm vụ làm chết ngư dân Việt Nam nêu trên, đồng thời yêu cầu đối xử nhân đạo với ngư dân đang bị bắt giữ, trên tinh thần hữu nghị và hợp tác chiến lược khi hai nước đang là thành viên của Cộng đồng ASEAN. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xác minh nhân thân các ngư dân và nắm thêm thông tin về vụ việc để có cơ sở đấu tranh với các sai phạm và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Theo thông tin được biết, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) cáo buộc 19 ngư dân Việt Nam đã chống trả bằng vật cứng và bom xăng. Chính vì vậy, phía Malaysia khẳng định họ buộc phải nổ súng tự vệ và vô tình làm chết ngư dân Việt Nam. Không phủ nhận, vì nguyên nhân khách quan (thiết bị thu dò phát sóng, phát tín hiệu, bản đồ,…) và nguyên nhân chủ quan mà ngư dân Việt Nam cũng đã có tiền sử đánh bắt cá nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, trong vụ việc vừa qua, chúng ta vẫn mới chỉ nghe được một phía từ Malaysia, vẫn chưa lắng nghe được sự thật đầy đủ từ chính ngư dân Việt Nam và chưa nhìn nhận tất cả bằng chứng có ở hiện trường. Vì vậy, không thể vội vàng kết luận ngư dân Việt Nam đúng hay sai cả. Tàu cảnh sát biển Malaysia liệu có phải lợi dụng tình huống để “răn đe” quá tay với ngư dân Việt Nam hay không? Đó là một vấn đề, một khúc mắc cần có thời gian điều tra, làm rõ chứ không thể vội vàng kết luận qua loa một chiều.
Nói như Bộ Ngoại giao Việt Nam, điều quan trọng nhất ở thời điểm này, hai nước Việt Nam-Malaysia cần duy trì tinh thần hữu nghị và hợp tác chiến lược, bình tĩnh, tỉnh táo xác minh vụ việc, tránh không để Trung Quốc, thậm chí là các thế lực thù địch lợi dụng, gây chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia ASEAN về vấn đề biển Đông. Nhất là trong bối cảnh, Trung Quốc đang ngày càng bành trướng, muốn ăn tươi nuốt trọn biển Đông thì cộng đồng các nước ASEAN càng phải đoàn kết để bảo vệ, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên biển Đông, giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông với Trung Quốc. Ngay chính Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin cũng từng nhấn mạnh rằng: Họ rất quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp theo cách có tính xây dựng cao thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao phù hợp; Malaysia cũng sẽ cố gắng ngăn chặn bất kỳ sự cố không mong muốn nào xảy ra trong lãnh hải, cũng như ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự nào tại Biển Đông. Vì vậy, chúng ta cũng cần bình tĩnh và đợi chờ kết quả điều tra vụ việc từ phía hai nước, tránh bị kẻ xấu giật dây “chống Malaysia” mà mắc mưu của Trung Quốc bởi cái chính của họ là luôn muốn ASEAN bất ổn và biển Đông “dậy sóng”.
Viện trưởng Viện biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn đã cảnh báo rằng: “Bây giờ, mọi chuyện càng trở nên mờ mịt hơn vì những gì đang xảy ra trên biển Đông” khi tiến trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN đang bị ảnh hưởng nặng bởi những hành động ngang ngược gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông, cũng như bởi đại dịch Covid-19. Trung Quốc đang lợi dụng thời điểm này để phục vụ cho toan tính làm loạn biển Đông. Chính vì vậy, chúng ta, đừng vì một vụ việc chưa có kết luận điều tra đúng sai rõ ràng mà đã hành động xốc nổi, gây phương hại đến mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam-Malaysia.
Đặng Trường