Chứng lý không thể chối cãi về chủ quyền biển của Việt Nam
Hệ thống bản đồ cổ thể hiện chủ quyền xuyên suốt của VN đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ít nhất từ thế kỷ 15.
Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988. Từ đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại các quần đảo của VN, nhất là trong những năm gần đây, dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ VN lẫn cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất, Trung Quốc còn đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở khu vực phía nam Biển Đông. Từ dùng vũ lực chiếm đóng, tuyên bố chủ quyền trái phép cho đến bồi đắp, quân sự hóa, tập trận phô trương sức mạnh, Trung Quốc đang ngang nhiên triển khai ý đồ chiếm trọn phần lớn Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và bất chấp các chứng lý lịch sử.
Theo các tài liệu của Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN), đã có hàng trăm cuộc đàm phán đa phương, song phương với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo và các chứng cứ về chủ quyền biển đảo của các nước đều đã được các quốc gia công bố. VN trong nhiều năm nay liên tục đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi về biển đảo của mình trong các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc và công bố quốc tế. Mới đây, tạp chí Phương Đông đã nghiên cứu và tập hợp các nguồn tài liệu thu thập từ trong và ngoài nước nhằm có cách nhìn hệ thống hơn đối với các bằng chứng về chủ quyền biển đảo của VN. Các bản đồ và thông tin được thể hiện trong bài viết Bản đồ và thư tịch chứng minh VN có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của tác giả Thế Anh.
Liên tục khẳng định chủ quyền
Một trong những bản đồ từ thời xa xưa thể hiện chủ quyền VN ở Biển Đông là tấm Bản đồ Đại Việt quốc trong tập Hồng Đức Bản đồ, được vẽ vào thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Bản đồ này thể hiện đầy đủ 13 đơn vị hành chính khi đó, gọi là 13 thừa tuyên, đồng thời có mô tả quần đảo Hoàng Sa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì Hồng Đức Bản đồ cho thấy người Việt đã khám phá và khai thác tại khu vực quần đảo Hoàng Sa từ thời Lý, Trần. GS-TS Trương Minh Đức cũng xác định tấm Bản đồ Đại Việt quốc trong tập Hồng Đức Bản đồ được vẽ từ thế kỷ thứ 15 (1490) có miêu tả quần đảo Hoàng Sa. “Điều này chứng tỏ từ thế kỷ 15 nhà nước Đại Việt đã khai thác Hoàng Sa và triều Lê đã thể hiện Hoàng Sa trong cương giới của mình”, Tạp chí Phương Đông dẫn lời ông nêu rõ.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người Việt đã khai thác và làm chủ Biển Đông từ thời Lý, Trần, còn các chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa và Bắc Hải để hành động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tiếp nối truyền thống và tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng Hồng Đức Bản đồ là bộ Atlas đầu tiên của VN thể hiện sự quản lý chặt chẽ lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông.
Từ thế kỷ 15 nhà nước Đại Việt đã khai thác Hoàng Sa và triều Lê đã thể hiện Hoàng Sa trong cương giới của mình
GS-TS Trương Minh Đức
Đến thời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705), ông Đỗ Bá, hiệu Công Đạo, soạn tấm bản đồ xứ Quảng Nam, vẽ theo kỹ thuật truyền thống với phía tây ở trên và hướng bắc ở tay phải. Bản đồ này nằm trong Toàn tập An Nam lộ và có ghi “Bãi Cát Vàng” bằng chữ Nôm, được mô tả nằm ngoài khơi phía đông phủ Tư Nghĩa, thuộc xứ Quảng Nam.
Năm 1686, chúa Trịnh Căn lệnh cho ông Đỗ Bá vẽ một bản đồ tổng hợp trên cơ sở của tất cả các bản đồ nước ta từ thế kỷ 15, có tu chính và cập nhật. Bản đồ mới này gồm luôn cả Toàn tập An Nam lộ mà ông đã vẽ trước đó và đặt tên chung là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Trong toàn tập này có bản đồ H.Bình Sơn, Quảng Ngãi; ở phía đông H.Bình Sơn có vẽ quần đảo Cát Vàng và được mô tả như sau: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng đúng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vĩnh. Mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy. Gió đông bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt vào đấy đều bị chết đói hết cả, hàng hóa vứt bỏ nơi này. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm đến đấy mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ thì chỉ mất một ngày”.
Một số người dạt vào đây khi trở về họ mô tả lại quần đảo Cát Vàng này gần giống như chú dẫn của ông Đỗ Bá viết ở trên. Chẳng hạn, năm 1701, đoàn giáo sĩ Thừa sai sang Trung Quốc kể lại trong các bức thư gửi về châu Âu về việc con tàu Amphitrite của họ mắc kẹt ở quần đảo này. “Paracel là một quần đảo thuộc đế quốc An Nam. Đó là những bãi đá rất đáng sợ, rộng lớn hơn 100 hải lý. Một cơn gió lớn có thể làm đắm tàu bất cứ lúc nào. Quần đảo Paracel nằm gần bờ biển nước CoChinChine (An Nam)”, bức thư viết. Theo các chuyên gia, Paracel được mô tả chính là Bãi Cát Vàng trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và các nhà truyền giáo biết rõ nó thuộc đế quốc An Nam.
Vào thế kỷ 18, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt biên soạn cuốn bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ. Cũng như các bản đồ khác như Thiên Hạ bản đồ, An Nam Bình thắng đồ phụ Nam Bắc xứ đồ, bản đồ đều vẽ theo kiểu truyền thống với phương Đông ở phía dưới. Trong các bản đồ trên, ở phía dưới đều có vẽ và ghi tên quần đảo Hoàng Sa, gọi là Cát Vàng hoặc Cồn Vàng, Cát Vàng xứ. Một số bản đồ khác được vẽ từ đầu thế kỷ 19 như Thiên tai nhan đàm Nam Việt bản đồ, An Nam dư địa chí… cũng đều vẽ một thực thể ở ngoài khơi phía đông Quảng Nam có tên là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa Chử, Bãi Cát Vàng nhỏ…
Vào cuối thời Tự Đức (1848 – 1883), 2 nhà giáo dục là Phạm Vọng và Ngô Thế Vinh soạn và cho khắc in cuốn sách Khải đồng thuyết ước vào năm 1881 để dạy học. Trong sách có bản đồ Bản Quốc địa đồ thể hiện bãi cát gọi là Hoàng Sa Chử ở ngoài khơi biển Quảng Nam. Một bản đồ khác cũng tên là Bản Quốc địa đồ trong tập niên khảo địa lý Nam Việt địa dư trích lục vẽ đảo tên Hoàng Sa Chử ở phía đông Quảng Nam. Ngoài ra, các bản đồ cổ của VN khác được vẽ ra từ thế kỷ 15 cho đến thế kỷ 19 đều ghi rõ thực thể địa lý ở trong cương vực quản lý của VN với tên gọi Cát Vàng, Bãi Cát Vàng, Vạn Lý Hoàng Sa Châu và Trường Sa Châu. Đó là chính là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long vào năm 1816 cho thị sát Hoàng Sa để tái khẳng định chủ quyền mà VN vốn có từ lâu trên quần đảo này. Đến thời vua Minh Mạng, sách sử nhà Nguyễn ghi rằng hằng năm Bộ Công phải cho người ra khảo sát đo đạc và ghi lên Đại Nam nhất thống toàn đồ đệ trình để nhà vua ngự lãm. Việc vẽ bản đồ như vậy do nhà nước phong kiến phái khiển nên Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ chính thức của nhà nước, biểu hiện việc hành xử chủ quyền ở Biển Đông. Trên bản đồ, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ tách biệt. Đến thời hiện đại, Sách trắng của VNCH công bố tháng 3.1975 dẫn chứng sách Hoàng Việt Địa dư chí của Phan Huy Chú ấn hành năm Minh Mạng thứ 16 (1834) có vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ có ghi rõ hình thể và vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý (tức Trường Sa) trong lãnh hải VN.
Phương Tây công nhận
Năm 1650, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, một người rất am hiểu VN truyền giáo cả ở Đàng Ngoài và Đàng Trong và là một trong những người sáng tạo bộ chữ Quốc ngữ, xuất bản tại Roma (Ý) cuốn sách Renu Annem, trong đó có bản đồ Vương quốc An Nam. Tạp chí Phương Đông dẫn lời GS Nguyễn Đình Đầu nhận xét bản đồ này, còn được gọi là bản đồ Đắc Lộ 1650, cơ bản dựa vào Hồng Đức Bản đồ nhưng được cập nhật nhiều chi tiết hơn và rất có giá trị để chứng minh chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, giáo sĩ de Rhodes dùng chữ Quốc ngữ để ghi các địa danh trên bản đồ và vẽ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gần vĩ tuyến 16 là rất chính xác.
Vào thời vua Minh Mạng, giám mục người Pháp Jean-Louis Taberd (1794 -1840) thuộc Hội Thừa sai Paris xuất bản một cuốn tự điển Latin – An Nam tại Ấn Độ, trong đó có tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ. Bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa ở phía trên vĩ tuyến 16 và chú thích Hoàng Sa là “Paracel hay Cát Vàng”. Một linh mục VN từng cộng tác với ông Taberd đã mang tự điển và bản đồ về nước. An Nam đại quốc họa đồ được vẽ một cách khoa học và chính xác nên năm 1862 được tái bản tại Paris để cung cấp thông tin cho quan chức Pháp tại Đông Dương. Cựu viên chức ngoại giao Mỹ Harold E.Meinhei, một chuyên gia về châu Á, đánh giá rất cao bản đồ này về mặt chứng cứ hậu thuẫn cho VN đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, vào thế kỷ 16, các nước phương Tây đua nhau thám hiểm các vùng biển xa để tìm kiếm hương liệu, thị trường và chiếm thuộc địa, trong đó có Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh. Từ thế kỷ thứ 16, người Bồ Đào Nha đã khám phá quần đảo nằm ngoài khơi phía đông của Đàng Trong và đặt tên những đảo này là “Parcel” (nghĩa là đá ngầm) rồi sau thành “Pracel”. Bản đồ của nhà thám hiểm và bản đồ học Diogo Ribeiro vẽ trong nửa đầu thế kỷ 16 ghi rõ “Pracel” là của VN. Do nhu cầu đi lại rất nhiều từ thế kỷ 15 -17, người Bồ Đào Nha và Hà Lan vẽ hàng ngàn bản đồ về vùng biển Đông Nam Á, tất cả đều ghi Pracel là của VN.
Tương tự, nhiều bản đồ khác gọi Hoàng Sa bằng tên tiếng Hà Lan là “Paracels” hoặc gọi chung Hoàng Sa – Trường Sa bằng tên “Paracel” (không có chữ “s” – NV) và các nhà hàng hải, địa lý luôn đề cập Paracels/Paracel thuộc hải phận Vương quốc Đàng Trong. Trong số này có Bản đồ Đông Dương (Carte de La Penisula Indochinoise) do nhà địa lý Hà Lan Frere Van Langren vẽ và được Công ty Đông Ấn Hà Lan phát hành năm 1595. Bên cạnh đó, còn nhiều bản đồ khác được ấn hành trong khoảng 1630 – 1650 như Bản đồ Merian (1650) vẽ 2 quần đảo của VN riêng biệt: Hoàng Sa ngoài khơi Đà Nẵng, còn Trường Sa ngoài khơi Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.
Đến cuối thế kỷ 19, nhiều nhà địa lý Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Mỹ soạn thảo và ấn hành bản đồ vùng Đông Nam Á. Tất cả đều ghi quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Trường Sa của VN. Đặc biệt thời kỳ này, các nhà hàng hải, nhà nghiên cứu địa lý đã phân biệt rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, bản đồ Partie de la Cochinchine của Philippe Vandermaelen xuất bản tại Brussels vào năm 1827 vẽ Hoàng Sa với tọa độ khá chính xác (16 – 17 độ vĩ bắc, 109 – 111 độ kinh đông). Nhà địa lý người Bỉ này cũng ghi khá rõ các điểm quan trọng trên bờ biển Vương quốc Đàng Trong và khẳng định Hoàng Sa thuộc VN.
Bằng chứng khách quan
Theo Tạp chí Phương Đông, bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây nhằm phục vụ nhu cầu đi lại buôn bán và tìm kiếm thuộc địa nên tính khách quan rất cao. “Giai đoạn cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19 là thời gian chủ nghĩa thực dân đang cực thịnh và khoa học kỹ thuật của phương Tây, kể cả khoa học về hàng hải và địa lý, kỹ thuật về bản đồ đều có bước tiến khá cao. Chính trong thời gian này phương Tây đã tạo ra các sản phẩm mà ngày nay chúng ta có thể thu nạp để làm vững chắc thêm lập luận của chúng ta về chủ quyền của VN ở Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tạp chí này phân tích.
Đáng chú ý nhất trong số này là bộ Atlas thế giới Brussels 1827 với 4 tấm bản đồ thể hiện chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó là Bản đồ chính xác của Công ty Đông Ấn xuất bản tại Anh năm 1805, Bản đồ Đông Dương (1808, Anh), Bản đồ Địa lý, Niên biểu Lịch sử và Gia phả Lavoisme (1820, Mỹ) hay bản đồ về Đông Dương được Tạp chí Scottish Geographical Magazine xuất bản năm 1886.
(Theo Thanh Niên)