+
Aa
-
like
comment

Chứng khoán, tiền ảo chìm trong sắc đỏ

18/04/2022 15:33

Sáng 18/4, giá Bitcoin giảm mạnh về mức 38.900 USD, thấp nhất trong một tháng qua do nhiều thông tin tiêu cực từ thị trường.

Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, giá Bitcoin trong sáng 18/4 giảm sâu về mức dưới 39.000 USD. Đây là mức giá thấp nhất của BTC trong vòng một tháng qua. Chỉ trong sáng nay, giá Bitcoin đã giảm 1.300 USD, tương đương 3,2% giá trị.

Tuần trước, khi giá đồng tiền số lớn nhất thế giới xuống dưới mốc 40.000 USD, xuất hiện lực mua mạnh, đẩy giá Bitcoin lên mức 41.000 USD. Tuy nhiên hôm nay, khi giá BTC mất mốc 39.000 USD, thị trường không có dấu hiệu hồi phục, tổng khối lượng giao dịch 24h vẫn quanh mốc 20 tỷ USD.

Giá Bitcoin giảm về mức 38.900 USD, thấp nhất trong một tháng qua. Ảnh: Coinmarketcap.

Tính từ đỉnh gần 69.000 USD xác lập vào tháng 11/2021, giá BTC đã giảm gần 44% giá trị. Việc Bitcoin giảm giá trong sáng nay cũng kéo theo sắc đỏ trên loạt altcoin. Dữ liệu từ Coinmarketcap cho thấy 10/10 đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn nhất (không tính stablecoin) đều sụt giảm.

Ethereum (ETH) chính thức mất mốc 3.000 USD, giảm 4,7% trong 24 giờ qua, còn 2.910 USD/đồng. Những đồng tiền khác trong top 10 như BNB, XRP, SOL, ADA, LUNA, AVAX, DOGE, SHIB đều giảm 3-6% giá trị vốn hóa.

Trước đó, khi Bitcoin tăng lên mức 41.000 USD, các chuyên gia đã dự đoán đây là hồi phục tạm thời trước một đợt sụt giảm sâu hơn.

Theo Alternative, chỉ số cảm xúc của thị trường đầu tư tiền số đang ở mốc 24 điểm, trong vùng “sợ hãi tột độ”. Ngoài ra, không có nhiều thông tin tích cực cho tiền số gần đây.

Các chuyên gia cho rằng việc nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất có thể sẽ bóp nghẹt thị trường. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) là cơ quan hoạch định chính sách của FED (Cục Dữ trữ Liên bang), cơ quan này vừa phê duyệt đợt nâng lãi suất đầu tiên hôm 16/3.

Để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở Mỹ, FED sẽ có thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 lần vào năm 2023. Giới quan sát lo ngại FED sẽ tiếp tục hành động mạnh tay bởi tình hình lạm phát ở Mỹ vẫn còn đáng lo ngại. Theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Dữ liệu từ Coinglass cho thấy tổng khối lượng thanh lý các hợp đồng thông minh trong một giờ qua là 120 triệu USD. Trong đó, các lệnh long (dự đoán tăng) chiếm đến 95%.

VN-Index lùi về ngang mốc tháng 10/2021

Tâm lý tiêu cực phủ bóng chứng khoán trong nước ngày 18/4. Thị trường có hơn 100 mã chứng khoán giảm kịch sàn, chỉ số VN-Index giảm 26 điểm.

Áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán đang ngày càng lan rộng. VN-Index sau khi đánh mất các vùng hỗ trợ trong buổi sáng thì tiếp tục rơi sâu hơn về phiên chiều.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%) về mốc 1.432 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/10/2021 đến nay. Còn nếu so với vùng đỉnh hồi đầu năm thì chỉ số đã bốc hơi gần 96 điểm (tức giảm gần 6,3% vốn hóa.

Nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là khối ngân hàng và Vingroup, có tác động rất xấu lên chỉ số đại diện sàn HoSE. Trong đó VCB lao dốc 3,1% về 77.700 đồng là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất; tiếp đến là CTG, VPB hay HPG.

Ngược lại một số cổ phiếu lớn vẫn ghi nhận đà tăng tích cực có thể kể đến GVR của Tập đoàn Cao su tăng 2,2% đạt 36.800 đồng. Các công ty dịch vụ hàng hóa như PNJ, Vinamilk, Sabeco, DIgiworld cũng ghi nhận cổ phiếu tăng giá trong hôm nay.

Áp lực bán trên diện rộng đã đẩy giá trị giao dịch lên mức cao

Tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn quay về mức trên 30.000 tỷ đồng (trong đó riêng sàn HoSE chiếm trên 26.000 tỷ đồng). Các nhóm ngành được giao dịch nhộn nhịp nhất là tài chính ngân hàng, công nghiệp và bất động sản.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giao dịch khá cân bằng khi mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.441 tỷ và bán ra 1.435 tỷ, tương đương mua ròng nhẹ 6 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã bị xả mạnh nhất là HPG (-107 tỷ), BVH (-103 tỷ) hay CTG (-62 tỷ), ngược lại mua ròng mạnh GEX (81 tỷ) và DXG (66 tỷ).

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều