+
Aa
-
like
comment

Chứng khoán đỏ sàn, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, nhà đầu tư nên làm gì?

25/04/2022 18:14

Áp lực bán trải rộng ở hầu hết nhóm ngành, sắc đó bao trùm trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index tụt giảm về ngưỡng 1.300 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần. Giẫm đạp lên nhau tháo chạy lúc này có lẽ chỉ khiến tất cả cùng kéo nhau xuống bùn, thiệt hại, thua lỗ nặng nề. 

Ngày 25.4, một ngày lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số Vn-Index đóng cửa giảm 68,3 điểm (-4,95%) xuống mức 1.310,92 điểm.

Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Các chỉ số khác như HNX-Index cũng giảm 6,02%, xuống 337,51 điểm và UPCom-Index giảm 4,43%, xuống 99,54 điểm.

Cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm sàn la liệt.

240 mã giảm sàn, vốn hóa bốc hơi 12 tỉ USD 

Số mã giảm trên cả 3 sàn chiếm áp đảo với 868 mã giảm, bao gồm 240 mã giảm sàn, lấn át hoàn toàn so với 215 mã tăng. Vốn hóa thị trường trong phiên hôm nay bốc hơi 12 tỉ USD.

Chỉ số giảm điểm là điều đã được dự báo trước, nhưng cách mà Vn-Index lao dốc không phanh trong phiên quả thực khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Có những thời điểm, chỉ số chính của thị trường mất hơn 80 điểm, bảng điện tử bao trùm bởi màu đỏ và xanh lơ (màu khi cổ phiếu giảm sàn).

Đáng nói là khối lượng giao dịch của thị trường rất thấp, chỉ khoảng hơn 22.000 tỉ đồng, cho thấy dù nhiều cổ phiếu la liệt nằm sàn nhưng không có lực cầu vào bắt đáy. Trong khi, ở phía cung, nhà đầu tư hoảng loạn đua nhau bán tháo, bất chấp cổ phiếu tốt hay xấu, đắt hay rẻ…

Trong vòng 1 tháng, Vn-Index mất khoảng 200 điểm (hơn 12%) giảm từ mốc 1.530 điểm về 1.310 điểm. Hơn 10 phiên giảm điểm liên tiếp với chỉ 1 phiên phục hồi; áp lực giải chấp vì dùng đòn bẩy tài chính vay mượn cổ phiếu, cắt lỗ… khiến rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

Nhưng liệu đây có phải là đáy?

Lúc này rất ít người, thậm chí kể cả các chuyên gia hàng đầu cũng không thể đoán định được. Việc cần làm duy nhất, thay vì hoảng loạn, bán bằng mọi giá, nhà đầu tư cần có một cái đầu lạnh, sự tĩnh tâm để nhận ra đâu là cổ phiếu “rác”, và đâu là cổ phiếu tốt.

Trong rổ VN30 (30 cổ phiếu hàng đầu thị trường) có hơn một nửa cổ phiếu giảm kịch biên độ. Rất nhiều cổ phiếu trước đó báo lãi “khủng” như VPB dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng giảm sàn, cùng với đó là BID của BIDV; CTG của VietinBank. Các cổ phiếu giá trị khác như FPT, Thế giới di động MWG, GAS… cũng bị bán tháo.

Trong khi các cổ phiếu lãi khủng, giá trị cơ bản tốt bị ruồng rẫy, bán tháo thì riêng cổ phiếu “họ FLC” liên quan đến tỉ phú Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt lại “tỏa sáng”. Cụ thể, FLC, ROS, AMD, HAI tăng từ 1 – 2%, thậm chí KLF còn tăng tới 5,41%.

Các cổ phiếu trên ngoài việc bị cắt margin, giám sát thì hoạt động kinh doanh hầu như rất yếu kém. Cổ phiếu mạnh, làm ăn tốt thì bị bán tháo; cổ phiếu yếu kém tăng điểm trong phiên rơi mạnh của thị trường cho thấy một tâm lý đầu cơ, thích đánh bạc của không ít các nhà đầu tư.

Thị trường luôn dao động, thậm chí có những cơn “điên loạn” rất khó để dự báo. Nhưng nhà đầu tư có thể kiểm soát được chính là việc nhận diện cổ phiếu khỏe, cổ phiếu yếu; cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu đầu cơ.

Cơ quan quản lý siết chặt phát hành trái phiếu; khởi tố và bắt tạm giam các đối tượng sai phạm, thao túng chứng khoán không ngoài mục đích làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường.

Trong ngắn hạn, yếu tố tâm lý lo ngại, sợ rủi ro sẽ khiến thị trường giảm điểm – điều này khó tránh, song về dài hạn rõ ràng thị trường sẽ hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì thay vì hoảng loạn, tháo chạy? - ảnh 2
Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch giảm điểm lịch sử.

Không nên bán tháo bằng mọi giá. 

Hiện tại, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết chính đợt điều chỉnh giảm sâu của chứng khoán vừa qua khiến định giá của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Tính đến thời điểm này, P/E thị trường là 15,4 lần, so với các nước trong khu vực là rất hấp dẫn.

So với lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, thị giá hiện tại cũng đã có thể về vùng đáy. Bên cạnh đó, nền kinh tế của chúng ta đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch, GDP được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong Đông Nam Á vào cuối năm nay. Các tổ chức như WB, ADB, IFM đánh giá rất cao khả năng phục hồi của Việt Nam.

Ngoài ra, dù lạm phát trên thế giới đang tăng nhanh nhưng trong nước chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt. Chính phủ hoàn toàn đủ dư địa và công cụ để kiểm soát được ở mức dưới 4% không để bất ổn vĩ mô; giữ mặt bằng lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong tình cảnh hiện nay, với các nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy tài chính (margin) và tỷ trọng cổ phiếu cao chắc chắn phải hạ xuống tỷ lệ an toàn. Với các nhà đầu tư nắm giữ danh mục an toàn, cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn tốt, bán tháo chỉ càng gây thua lỗ, thiệt hại nặng nề.

Lúc này, nhà đầu tư nên có cái đầu lạnh, tỉnh táo để nhận biết rằng thị trường có xuống ắt sẽ có lên. Khi nền kinh tế còn tăng trưởng, vĩ mô ổn định, doanh nghiệp làm ăn có lãi thì không cớ gì cổ phiếu lại không tăng trở lại.

Trâm Anh 

Bài mới
Đọc nhiều