Chứng khoán đảo chiều bất ngờ, sáng tăng chiều lao dốc do những thông tin dồn dập về biến chủng Covid-19 mới khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Thị trường tài chính toàn cầu đang chịu những áp lực lớn trước những thông tin liên tục về biến thể Omicron. Chứng khoán Việt Nam hôm qua cũng bị bán tháo khi mở cửa phiên đầu tuần, sau đó dần phục hồi khi tâm lý nhà đầu tư không còn quá bi quan và lực bán giảm dần.
Trong phiên sáng 30/11, chứng khoán trong nước dường như đã quên đi nổi lo về biến thể Covid-19 mới khi tăng mạnh 16-18 điểm để leo lên trên vùng 1.500 điểm và sau đó giằng co quanh mốc quan trọng này trong suốt buổi sáng.
Tuy nhiên những thông tin mới về Omicron một lần nữa khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Chỉ số chính bất ngờ giảm mạnh trong phiên chiều khi có thời điểm lao dốc mất 12,5 điểm so với tham chiếu (tương đương giảm 30,5 điểm so với thời điểm đạt mức cao nhất).
Phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp
Cũng như nhiều lần trước, khi thị trường lao dốc lại kích thích tâm lý bắt đáy và lượng tiền lớn lại đổ vào mua chứng khoán, giúp đẩy các chỉ số chính có sự hồi phục đáng kể về cuối giờ giao dịch nhưng không có tình trạng mua đuổi giá cao.
Kết phiên 30/11, VN-Index ghi nhận mức giảm 6,4 điểm (0,43%) xuống còn 1.478,44 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp của thị trường trong nước trước áp lực từ biến thể Omicron.
Diễn biến đảo chiều bất ngờ cũng được ghi nhận trên sàn niêm yết HNX khi chỉ số đại diện về cuối phiên giảm 2,5 điểm (0,55) về còn 458 điểm.
Lực bán bất ngờ trong phiên chiều đã đẩy thanh khoản trở lại mức cao. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 39.299 tỷ đồng, tăng 9,3% so với phiên trước. Riêng giá trị khớp lệnh tại sàn HoSE đạt 32.756 tỷ đồng, tăng 9,1%. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE.
Dù vậy độ rộng thị trường vẫn giữ ở mức tương đối cân bằng, có phần nghiêng về sắc xanh khi cổ phiếu nhỏ vẫn tăng tốt. Toàn thị trường có đến 582 mã tăng giá và chỉ có 500 mã giảm giá.
Trong khi cổ phiếu vốn hóa diễn biến khá tiêu cực; riêng nhóm VN30 giảm mạnh gần 1% trong hôm nay khi có đến 23/30 giảm giá sâu. Ngược lại chỉ số đại diện cho nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên.
Trong đó thị trường đang có sự “xoay trụ”, nếu như các phiên trước VIC đóng vai trò gồng gánh cho chỉ số thì phiên hôm nay đã được thay thế.
Lực cản lớn nhất
Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Cao su Việt Nam có thời điểm tăng trần, trước khi gặp áp lực điều chỉnh chỉ còn tăng 5,4%; tuy nhiên vẫn là mã có tác động tích cực nhất lên thị trường chung khi đóng góp gần +2,1 điểm.
Ở từng nhóm riêng lẻ, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là lực cản lớn nhất kéo chỉ số đi xuống khi nhiều mã giảm sâu 1-5%, thậm chí VIB có thời điểm chạm sàn. Riêng VCB của Vietcombank giảm 2,2% và là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.
Nhóm cổ phiếu y tế, dược phẩm vẫn tiếp tục chuỗi ngày giao dịch ấn tượng khi hàng loạt mã vẫn bứt phá. Trong đó DDN giữ mức giá trần, AMV tăng 9,2% hay CDP tăng 6,2%…
Các cổ phiếu đầu cơ đang có diễn biến khá phân hóa. Các mã HAG, LIC, TAG… giữ mức giá trần trong khi nhiều mã tăng nóng khác đang bị bán tháo ở giá sàn và không có lực cầu như CEN, IDI, SDA, CEO…
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ hôm qua đồng loạt đi lên và lấy lại một phần thiệt hại của phiên bán tháo cuối tuần qua, sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ hiện nay chưa cần phong tỏa để đối phó với biến thể Omicron.
Tuy nhiên sau đó, diễn biến đảo chiều bất ngờ khi CEO Moderna phát biểu rằng Omicron làm giảm hiệu quả vaccine và khiến tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Chính thông tin này khiến chỉ số Dow Jones Futures có lúc mất hơn 600 điểm.
Tương tự khi nhiều thị trường chứng khoán châu Á cũng đảo chiều bất ngờ. Các chỉ số chính tại Nhật Bản, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Saudi Arabia, Philippines… đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Dầu cũng bị bán mạnh với giá hợp đồng Brent tương lai giảm 3,6% xuống 70,8 USD/thùng hay WTI có thời điểm mất gần 3,5% xuốn 67,5 USD/thùng.
Lê Anh