Chuẩn bị kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước
Sau hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII), dự kiến nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước sẽ được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 3.
Phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII) sáng 8/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị thống nhất cao cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước; và đề nghị Trung ương cho thực hiện việc này tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (sẽ khai mạc cuối tháng 3).
Tại hội nghị Trung ương đang diễn ra, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội – là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước; đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Theo quy định hiện hành, chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước do Quốc hội bầu, phê chuẩn gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó thủ tướng và bộ trưởng, trưởng ngành; Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước…
Tuy nhiên không phải tất cả các chức danh nêu trên đều sẽ được kiện toàn. Theo giải thích của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 23/2, công tác nhân sự thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị lần này là kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, “chứ không phải thay đổi bộ máy nhà nước”.
“Liên quan đến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những ai không vào Trung ương khóa này thì phải kiện toàn”, ông Uông Chu Lưu cho hay.
Tương tự ở khối Chính phủ, trong cuộc họp báo hôm 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng phương án giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan “mà ở đó các Ủy viên Trung ương không tái cử tại Đại hội XIII hoặc có tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác”.
Chính phủ đương nhiệm có 26 thành viên, 9 thành viên không tham gia Trung ương khóa mới, gồm Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội hiện có 18 người, trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 4 Phó chủ tịch Quốc hội và 7 Ủy viên không tham gia Trung ương khóa mới.
7 Ủy viên này đang giữ các vị trí: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại, Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng; và Trưởng ban Công tác đại biểu.
Cũng theo ông Uông Chu Lưu, hai nhân sự dự kiến giới thiệu để thay Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh chưa phải là đại biểu Quốc hội, nên hai lãnh đạo này tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi bầu đại biểu Quốc hội khóa mới. “Còn các vị trí khác thực hiện theo chủ trương của Đảng”, ông nói.
Như vậy, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV tới đây, dự kiến các đại biểu sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời bầu, phê chuẩn các chức danh khác theo giới thiệu của cấp có thẩm quyền.
Quy trình bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao tại kỳ họp được thực hiện chặt chẽ qua nhiều bước. Sau khi nghe danh sách giới thiệu, các đại biểu sẽ thảo luận tại Đoàn. Kết quả thảo luận được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội. Danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử (nếu có) cũng được trình Quốc hội quyết định.
Sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu sẽ bầu các lãnh đạo cao nhất của Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng… phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Tai phiên làm việc của hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII) chiều 8/3, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đọc tờ trình của Bộ Chính trị về việc kiện toàn nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khoá XIV (nhiệm kỳ 2016 – 2021); khoá XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026). Sau đó, Trung ương thảo luận tại tổ về việc kiện toàn nhân sự.
Tùng Lâm