Chưa xong với Trung Quốc, Ấn Độ lại căng với láng giềng Pakistan
Căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ với Pakistan về việc trục xuất các nhà ngoại giao xảy ra trước vụ ẩu đả giữa lính Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới vào tuần trước đang làm phức tạp hơn tình hình an ninh trên dãy Himlaya.
Trong khi vấn đề tranh chấp biên giới với cả Trung Quốc và Nepal bị đốt nóng, Ấn Độ hôm 23/6 yêu cầu Pakistan giảm một nửa số lượng nhân viên ngoại giao làm việc trong cao uỷ ở New Delhi, và Ấn Độ cũng sẽ giảm hiện diện ngoại giao ở Islamabad, khiến quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trở nên căng thẳng hơn.
Việc Ấn Độ và Pakistan trục xuất nhà ngoại giao của nhau không phải điều hiếm thấy, nhưng bước đi này đánh dấu mức hạ cấp quan hệ song phương nghiêm trọng nhất kể từ năm 2001.
Căng thẳng này bắt đầu từ việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra quyết định vào tháng 8 năm ngoái về việc thu hồi quy chế tự trị của Kashmir, vùng đất tranh chấp với Pakistan thuộc dãy núi Himalaya.
Các nhà quan sát Trung Quốc đánh giá quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ còn tiếp tục xấu đi, cảnh báo rằng điều đó sẽ chỉ mở ra một lộ trình nguy hiểm và có thể có những hàm ý sâu rộng đối với khu vực.
Giới quan sát đánh giá tiểu lục địa Ấn Độ đang rơi vào thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử, với sự hoài nghi và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa gia tăng vì tranh chấp biên giới giữa các bên bùng lên, mối thù lịch sử và căng thẳng về các lợi ích kinh tế và địa chính trị.
“Quan hệ Ấn Độ – Pakistan vốn căng thẳng giờ lại tiến vào chu kỳ leo thang nguy hiểm, tiến tới bạo lực và xung đột”, Sun Shihai, một chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại ĐH Tứ Xuyên, đánh giá.
Ông Sun nói rằng đây là thời điểm quan trọng với cả hai quốc gia, cộng thêm vai trò của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ.
Giới quan sát ở Trung Quốc cho rằng Ấn Độ có vẻ đang đi theo quan điểm quyết liệt hơn trong những vấn đề tranh chấp biên giới lâu năm với các nước láng giềng. Họ nói rằng Bắc Kinh ngày càng cảnh giác với chính sách đối ngoại của ông Modi, khi New Delhi có vẻ đang xích lại gần Mỹ.
Khi Trung Quốc và Ấn Độ chưa giải quyết hoàn toàn cuộc đối đầu chết người tồi tệ nhất ở khu vực biên giới chưa phân định rõ ràng, đại diện Bộ ngoại giao và quân đội Trung Quốc hôm qua tiếp tục đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ việc ngày 15/6.
Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng trách nhiệm đối với cuộc xung đột trên biên giới ở thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh ở Kashmir, nằm hoàn toàn ở phía Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra một giải thích dài dòng về quan điểm của Bắc Kinh và thúc giục New Delhi đồng ý khôi phục hoà bình và ổn định ở vùng biên giới tranh chấp.
Vụ đụng độ với Trung Quốc vừa qua thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhưng mâu thuẫn với Nepal cho đến nay chưa được chú ý lắm.
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng trước, khi Nepal – quốc gia nằm kẹp giữa 2 nước láng giềng khổng lồ và thường có quan hệ gần gũi với New Delhi – phản đối Trung Quốc làm một con đường mới ở khu vực Lipulekh kết nối giữa bang Uttarakhand của Ấn Độ với vùng Tây Tạng của Trung Quốc.
Nepal tố Ấn Độ đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực ngã ba Nepal – Trung Quốc – Ấn Độ. Ấn Độ đáp trả bằng cáo buộc Nepal bỗng dưng có cách làm cứng rắn “theo chỉ đạo của ai đó”, nhưng không nêu tên Trung Quốc.
Trung Quốc, quốc gia chiếm 1/5 bang Jammu và Kashmir mà Trung Quốc gọi là Aksai Chin, cũng là một bên có yêu sách trong tranh chấp biên giới nhiều khi leo thang thành bạo lực ở Kashmir giữa lực lượng Ấn Độ và Pakistan.
Từ khi Ấn Độ hủy quy chế tự trị cho Jammu và Kashmir, đồng thời áp lệnh phong toả nghiêm ngặt đối với vùng đất này, Trung Quốc, với sự nhờ vả của Pakistan, đã hai lần đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào tháng 8 năm ngoái và tháng 1 năm nay, khiến New Delhi nổi giận.
Minh Nhật/TP