+
Aa
-
like
comment

‘Chưa xác định được bệnh nhân ở Hà Nội tái dương tính hay mắc mới’

16/11/2020 11:41

Một ca bệnh COVID-19 rất lạ vừa ghi nhận tại Hà Nội. Theo đó, bệnh nhân là P.N.M, 21 tuổi, là Du học sinh Nga và là bệnh nhân 1.032, đã ra viện từ 17-9 nhưng 15-11 lại có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính.

Hà Nội: Một bệnh nhân COVID-19 dương tính chưa rõ nguồn lây hay tái dương tính - Ảnh 1.
Phun hóa chất sát khuẩn cho hành khách mới nhập cảnh – Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, bệnh nhân là 1.032 từ Nga về Việt Nam ngày 10-8, được xét nghiệm lần 2 ngày 25-8 tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho kết quả dương tính, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương từ 25-8 đến 17-9.

Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh nhân được xét nghiệm 7 lần, trong đó chỉ có 1 lần (khi mới vào viện) là dương tính, 6 lần còn lại âm tính, 17-9 bệnh nhân được xuất viện.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân ở nhà 2 tuần (chỉ tiếp xúc người nhà và bạn gái, có đeo khẩu trang), sau khi hết 2 tuần theo dõi này, bệnh nhân đi học tại Đại học Hà Nội, bệnh nhân ngồi cách 2m với các thành viên trong lớp, hết giờ học về nhà, không đi tới các địa điểm công cộng.

Ngày 7-11 bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội, được chẩn đoán sốt virus và được cho về điều trị tại nhà.

Ngày 14-11 bệnh nhân sốt 39 độ, người mệt mỏi, vào khám lần 2 tại Bệnh viện Giao thông vận tải và được lấy mẫu xét nghiệm Realtime PCR gửi Bệnh viện Nhi trung ương, kết quả xét nghiệm ngày 15-11 dương tính với COVID-19.

Hiện CDC Hà Nội đã sơ bộ xác minh 25 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm và đang tiếp tục rà soát người tiếp xúc F1, F2…

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đây là ca bệnh rất lạ, hiện chưa thấy cơ quan chức năng thông báo là tái dương tính hay nguồn lây. Ngay từ khi ở Nga về nước, bệnh nhân cũng xuất hiện bệnh rất muộn, xét nghiệm 14 ngày sau khi về nước mới cho kết quả dương tính, trong thời gian điều trị chỉ có 1 lần xét nghiệm dương tính, còn lại 6 lần xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi ra viện thì xét nghiệm lại dương tính. BBT Cánh Cò sẽ thông tin tiếp về ca bệnh rất lạ này.

Làm gì để xác định bệnh nhân tái dương tính hay tái mắc?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.

Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi Covid-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm.

Hiện nay, nhiều phương pháp được thực hiện để xác định bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Trong đó, nuôi cấy virus có giá trị khẳng định cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và cho kết quả muộn. Việt Nam đang sử dụng phương pháp rRT-PCR để tìm chất liệu di truyền (ARN) của virus.

Theo tiêu chuẩn của WHO, ở ngưỡng phát hiện 100 bản sao trên mỗi phản ứng, xét nghiệm phải đạt độ nhạy 95%. Do đó, những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc mức độ tập trung của virus trong mẫu bệnh phẩm.

Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh, SARS-CoV-2 chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Lúc này, bệnh phẩm đưa vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Những trường hợp này được gọi là tái dương tính với virus.

Trong khi đó, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc Covid-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.

Về vấn đề người tái nhiễm SARS-CoV-2 có khác biệt về khả năng lây lan hay không, bác sĩ Cấp cho rằng chưa có đủ cơ sở dữ liệu để xác định điều này.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều