Chùa vắng bóng người tu học trong khu du lịch tâm linh nghìn tỉ
Đại đức Thích Tâm Thuần chỉ ra một điều đáng tiếc ở những ngôi chùa làm du lịch là chưa làm tốt việc chính của một ngôi chùa: hoằng pháp.
Nếu biết rằng gần một nửa lượt du khách đến Ninh Bình trong vài năm qua là đến chùa Bái Đính, người ta sẽ hiểu vì sao mà nhiều đại dự án du lịch tâm linh đã ra đời, và vẫn tiếp tục có những dự án du lịch tâm linh ngàn tỉ khác đang được thi công hoặc “xin chủ trương”.
Năm 2018, nhiều người được phen giật mình trước đề xuất đầu tư khu du lịch tâm linh ở danh thắng chùa Hương 15.000 tỉ đồng của doanh nghiệp Xuân Trường.
Dư luận còn chưa kịp quên đề xuất đại dự án tâm linh này thì mới đây, tỉnh Hòa Bình lại “mạnh dạn” trình xin Thủ tướng đồng ý cho xây dựng khu du lịch tâm linh rộng lớn trên đất nông nghiệp của tỉnh. Dự án khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng đang được triển khai.
Tại Huế, Công ty cổ phần đầu tư Bãi Cả cũng đang xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu phương án xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân.
Và nóng nhất là dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được triển khai ở xã Lũng Cú, vây quanh Núi Rồng – nơi có di tích cột cờ Lũng Cú – một điểm linh thiêng về chủ quyền biên giới của cả nước.
Liên tiếp các đại dự án khu du lịch tâm linh
Nhắc đến các dự án du lịch tâm linh, nổi tiếng nhất phải kể đến khu tâm linh núi chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam).
Theo bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Sở Du lịch Ninh Bình công bố ngày 14-9-2018, từ năm 2003 dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1.000ha.
Chùa vẫn còn nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng tới năm 2020 như: công viên văn hóa Phật giáo, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh, công viên cây xanh…
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xác nhận doanh nghiệp được quyền khai thác du lịch với khu du lịch sinh thái Tràng An (bao gồm cả chùa Bái Đính) trong 70 năm.
Không giống các ngôi chùa truyền thống, ngay tại tầng hầm của tòa Tam Thế chùa Bái Đính và cả chùa Tam Chúc là một nhà hàng lớn cả nghìn mét vuông, có thể phục vụ ăn uống cho cả nghìn người và còn có nhiều phòng làm việc, phòng hội nghị.
Và giống như một địa điểm du lịch thông thường khác, chùa Bái Đính có cả một khu lớn bán đồ lưu niệm và dịch vụ ăn uống ngay gần cổng; bãi trông xe với giá khá đắt đỏ và dịch vụ xe điện, dịch vụ vệ sinh…
Ở các chùa này, hầu như không thấy bóng dáng nhà tu hành và thưa vắng hoạt động tu tập, hoằng pháp – vốn là những mục đích tồn tại chính yếu của một ngôi chùa.
Thượng tọa Thích Quang Minh, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp chăm sóc cho hai ngôi chùa Bái Đính, Tam Chúc, cho biết chùa Bái Đính thường xuyên có 300-400 người làm việc tại chùa nhưng không phải là người tu hành.
Đại đức Thích Tâm Thuần – phó ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội) – mặc dù ghi nhận công đức của doanh nghiệp xây chùa nhưng cũng chỉ ra một điều đáng tiếc ở những ngôi chùa làm du lịch này, đó là chưa làm tốt việc chính của một ngôi chùa: hoằng pháp.
Theo đại đức, một ngôi chùa lớn như Bái Đính lẽ ra “phải có 500 -1.000 người tu học”.
Lo lắng về tài nguyên đất đai
Nói về những dự án du lịch tâm linh hiện nay, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đó là những dự án mập mờ, không rõ chùa trong các dự án này để thực hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật sư Lập bày tỏ quan ngại về sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch có thể dẫn đến những tiêu cực về thuế, đất đai, nguồn vốn…
Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn… rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo, và các chủ đầu tư các dự án này đều nói doanh nghiệp xây xong là giao cho Giáo hội Phật giáo quản lý chứ họ không quản lý như một sản phẩm du lịch.
Thừa nhận thế giới cũng có du lịch tôn giáo (religious tourism), nhưng GS.TS Trần Ngọc Vượng nói nó bắt nguồn từ những chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa để cầu nguyện, hành lễ chứ không ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch.
Nhìn ở góc độ xã hội, góc độ nhà nước, GS Vượng cho rằng du lịch tâm linh chính là “kinh doanh tài sản quốc gia”. Bởi theo ông, “Đất đai, diện tích lãnh thổ là những thứ không đẻ thêm được, nhưng chúng ta lại đang có những quy hoạch du lịch tâm linh chiếm giữ vùng diện tích đất đai rộng lớn”.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của người làm du lịch, TS Trịnh Lê Anh – giảng viên khoa du lịch, Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội – lại có cái nhìn khác. Ông cho biết trên thế giới du lịch tâm linh đang là cơ hội cho ngành du lịch, vì thu hút được một lực lượng đông đảo người dân có tín tâm.
Còn ở Việt Nam, các khu du lịch tâm linh đang tạo ra một dòng lưu chuyển khách du lịch, tạo ra một điểm đến văn hóa của người dân, và đó là một sự thành công của những nhà đầu tư khôn ngoan.
Tuy nhiên, TS Trịnh Lê Anh cũng thừa nhận rằng song hành với những lợi ích của du lịch tâm linh sẽ là những thứ phải trả giá như “lãng phí về tài nguyên đất đai”.
Giật mình số lượng khách
Thông tin từ bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng 2030 cho thấy từ năm 2010-2016 khách du lịch nội địa đến chùa Bái Đính tăng trưởng liên tục, chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng số khách du lịch nội địa đến Ninh Bình.
Năm 2016 lượt khách du lịch đến chùa Bái Đính chiếm đến 48,5% tổng số lượt khách nội địa đến Ninh Bình.
Số liệu thống kê của Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cũng cho thấy riêng lượt khách đến Bái Đính chiếm hơn một nửa lượt khách du lịch nội địa của cả Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm tới 7 khu du lịch cộng lại.
Năm 2016 tổng số khách đến chùa Bái Đính đạt trên 3,2 triệu lượt, trong khi tổng số khách đến Quần thể danh thắng Tràng An là hơn 5,7 triệu lượt. Con số tương ứng của năm 2017 là xấp xỉ 3,2 triệu và hơn 6,1 triệu.
“Chùa trong khu du lịch rất tốt nếu được quản lý tốt”
Trả lời Tuổi Trẻ về câu chuyện nở rộ các khu du lịch tâm linh thời gian gần đây, thượng tọa Thích Thanh Quyết – phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – đánh giá đây là việc rất tốt.
Theo thượng tọa, vừa rồi có một số doanh nghiệp đã xây chùa ở khu du lịch Bái Đính, Tam Chúc để thờ Phật, tạo điều kiện cho du khách vãn cảnh, thực hành tín ngưỡng. Tuy nhiên, thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng thừa nhận những ngôi chùa này chỉ tốt, làm con người quy thiện, hướng thiện, hành thiện nếu được quản lý tốt. Bằng không thì chúng “dễ trở thành một vấn đề không ưng ý”.
THIÊN ĐIỂU/Tuổi Trẻ