+
Aa
-
like
comment

Chưa từng có, 1 ngày giá tăng 4 triệu, vàng đắt nhất mọi thời đại

24/07/2020 10:06

Thị trường vàng thế giới biến động mạnh hiếm có, liên tục tăng lên các đỉnh cao mới trong 9 năm qua nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng loạt yếu tố đang hỗ trợ vàng khiến mặt hàng kim loại này trụ trên đỉnh cao.

Giá vàng tăng cao, nhiều cửa hàng vàng sôi động mua bán.

Tăng 4 triệu trong vài ngàyTiếp sau một phiên tăng dữ dội 22/7, thị trường vàng trong nước lại ghi nhận một phiên tăng hiếm có trong ngày 23/7 với cú bứt phá tăng vọt thêm gần 2 triệu đồng, lên gần 55 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính tới 16h00 chiều 23/7, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 53,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,92 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đây là một mức giá cao chưa từng có của vàng miếng SJC trên thị trường trong nước. Tính trong 4 phiên vừa qua, giá vàng đã tăng tổng cộng khoảng 4 triệu đồng/lượng, từ mức 50,9 triệu đồng/lượng cuối ngày 20/7.

Trong 3 ngày, vàng liên tục phá vỡ 4 ngưỡng cản quan trọng 51-52-53-54 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm, giá vàng đã tăng 12 triệu đồng/lượng (tương đương tăng 28%), một con số ấn tượng so với một thị trường chứng khoán ảm đạm đi xuống và một kênh gửi tiết kiệm với lãi suất giảm mạnh. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng có nơi chỉ còn 3%/năm.

Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng thị trường vàng trong nước giao dịch khá ổn định, không có tình trạng tranh nhau mua bán vàng, hay các doanh nghiệp không đủ vàng/đủ tiền để trả khách. Số lượng người đến giao dịch trên thực tế tăng đáng kể do nhiều người đến chốt lời, một số mua vàng trả nợ,… nhưng không quá đột biến.

Chưa từng có: 1 ngày tăng 4 triệu, vàng đắt nhất mọi thời đại
Giá vàng SJC lên mức 54,92 triệu đồng/lượng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu theo giá thế giới. Thị trường vàng trong nước không có gì bất thường, nhu cầu mua vàng cũng không cao. Cũng theo NHNN, từ 2014 đến nay, nền kinh tế không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia tài chính cho rằng, nếu xem kỹ, thị trường vàng hiện đã có một số điểm bất thường như chênh lệch giá mua-bán của các doanh nghiệp được kéo rộng ra, đã lên tới 1 triệu đồng/lượng, thay vì 300.000-500.000 đồng trong các phiên trước đó. Với mức chênh rộng như thế này, các doanh nghiệp sẽ tăng tính an toàn, trong khi đó người mua-bán vàng sẽ rủi ro hơn.

Giá vàng trong nước tăng dữ dội theo giá thế giới và lên sát ngưỡng 55 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng rất nhanh, hướng gần tới đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại: 1.920 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 9/2011.

Vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ khi thông tin hỗ trợ mặt hàng kim loại quý ra dồn dập, khiến giới đầu tư không kịp định thần. Thông thường, giá vàng thế giới không biến động nhiều trên thị trường châu Á và châu Âu mà chỉ biến động mạnh sau khi thị trường Mỹ mở cửa.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 23/7, tình hình đã thay đổi. Giá vàng tăng rất mạnh trên cả thị trường châu Á và châu Âu sau khi giới đầu tư đón nhận những thông tin gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và những số liệu u ám của nhiều nền kinh tế lớn.

Cơ hội cho vàng vẫn lớn 

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi. Tổng thống Mỹ Donald Trump không úp mở cảnh báo về khả năng đóng tiếp các lãnh sự quán Trung Quốc sau khi cho lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (Texas) 72h để đóng cửa.

Mỹ cũng vừa bổ sung thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể bị trừng phạt vì có liên quan tới việc đàn áp người Hồi giáo Uyghur và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Trung Quốc. Các công ty này sẽ bị cấm mua công nghệ của Mỹ khi chưa được chính phủ Mỹ cấp giấy phép. Một số công ty này có quan hệ làm ăn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có cả Mỹ và Hàn Quốc.

Chưa từng có: 1 ngày tăng 4 triệu, vàng đắt nhất mọi thời đại
Nhiều yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá.

Vàng trở thành một lựa chọn hàng đầu khi mà các nước lớn rơi vào căng thẳng đối đầu. Đây là một mặt hàng có tính an toàn cao, giữ nguyên giá trị khi thị trường biến động.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng bất chấp một số doanh nghiệp đã thành công ban đầu trong việc thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2. Hàng loạt quốc gia ghi nhận các ổ dịch mới và vẫn phải tính tới khả năng phải đóng cửa một phần nền kinh tế.

Ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế là rất lớn. Hàn Quốc vừa công bố chính thức rơi vào suy thoái sau 17 năm. GDP nước này trong quý II giảm 3,3% so với quý trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế Hàn Quốc sụt giảm hai quý liên tiếp kể từ năm 2003 và đây là mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1998.

Vàng còn được hỗ trợ mạnh bởi một đồng USD suy yếu. Đồng bạc xanh đang ở mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác.

Về dài hạn, hầu hết dự báo cho rằng, giá vàng thế giới sẽ còn tăng tiếp mà đích đến là một kỷ lục cao mới, vượt ngưỡng 1.920 USD/ounce hồi 2011. Mức giá có thể sẽ là 2.000-3.000 USD/ounce trong vài năm tới.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, từ giờ tới cuối năm, ở vào thời điểm hiện tại, có nhiều dự báo trái chiều nhau. Một số cho rằng, giá vàng sẽ chững lại sau một đợt tăng mạnh và kéo dài vừa qua (tăng 23,6% kể từ đầu năm). Nhưng cũng có tổ chức cho rằng, vàng sẽ còn tăng tiếp, tăng mạnh trước cuộc bầu cử của Mỹ bởi dự báo sẽ có nhiều biến động lớn trong khoảng thời gian này.

StoneX cho rằng vàng đang tăng mạnh hướng mốc 1.900 USD/ounce và sẵn sàng leo lên mức cao nhất mọi thời đại trong quý III này.

Các quỹ giao dịch vàng lớn tiếp tục đẩy mạnh mua vào. Hôm 22/7, các quỹ ETF gia tăng vị thế mua phiên thứ 19 liên tiếp, đẩy mức nắm giữ ròng năm nay lên 23,2 triệu ounce. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hiện nắm giữ 39,4 triệu ounce vàng với tổng quá trị 73,7 tỷ USD.

Theo phân tích kỹ thuật, vàng có động lực để tăng mạnh sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự dài hạn ở mức 1.800/ounce. Vàng đang vào một đợt tăng giá mới và trên Kitco, CrossBorder Capital cho rằng, vẫn còn cơ sở để giá tăng cao hơn.

Theo đó, CrossBorder Capital dự báo, giá vàng cần tăng thêm 34%, tức lên 2.500 USD/ounce (tương đương 70,8 triệu USD, chưa tính thuế phí) nếu Mỹ muốn bình thường hóa số nợ của mình, đưa giá trị nợ trở về mức trung bình lịch sử. Ở môi trường hiện tại, vàng được mô tả là “tiêu chuẩn cuối cùng của giá trị”.

V. Minh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều